1. Đái tháo đường típ 1 gây những biến chứng ở bàn chân như thế nào?
Đường huyết cao có thể gây tổn thương nghiêm trọng các bộ phận cơ thể và có thể dẫn đến các vấn đề về tuần hoàn mạch máu và nhiễm trùng, từ đó có thể gây mất cảm giác bàn chân hoặc dị cảm như cảm giác ngứa ran và nóng rát.
Nếu không được điều trị, những vấn đề này có thể gây các tổn thương khó lành ở chân và người bệnh có thể không nhận biết được những vết thương bàn chân. Điều này có thể dẫn đến loét và nhiễm trùng. Bệnh diễn tiến nặng hơn có thể dẫn đến cắt cụt chân.
2. Phát hiện những dấu hiệu của biến chứng bàn chân
Người bệnh nên kiểm tra bàn chân hằng ngày những dấu hiệu sau đây để đi khám sớm:
Cảm giác ngứa ran hoặc kim châm (như tê)
Đau (nóng rát)
Đau âm ỉ
Da chân sáng bóng bất thường
Rụng lông ở chân và bàn chân
Mất cảm giác ở chân và bàn chân
Sưng chân
Giảm tiết mồ hôi chân
Vết thương hoặc vết loét không lành
Chuột rút ở bắp chân khi nghỉ ngơi hoặc đi bộ
Người bệnh nên đi khám bác sĩ ngay nếu có những dấu hiệu cảnh báo sau:
Những thay đổi về màu sắc và hình dạng bàn chân của bạn
Bàn chân lạnh hoặc nóng
Các vết phồng rộp và vết cắt mà người bệnh có thể nhìn thấy nhưng không có cảm giác
Mùi hôi từ vết thương hở
Người bệnh nên đi khám chân ít nhất một lần mỗi năm để được kiểm tra xem có bất kỳ thay đổi nào về thần kinh hay không
Khám chân là gì? Bác sĩ sẽ kiểm tra chân và bàn chân của bạn xem có tê bì, tuần hoàn mạch máu kém, vết chai, các vấn đề về móng và các tình trạng khác hay không. Từ đó, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ mắc các biến chứng bàn chân ở người bệnh
3. Những lời khuyên giúp làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng bàn chân
Giữ đường huyết ở mức mục tiêu
Đi giày thoải mái, vừa chân. Tránh đi giày quá chật hoặc giày cao gót nếu có thể
Giữ chân sạch sẽ, khô ráo để tránh nhiễm trùng
Cắt móng chân không quá sát da
Không đi chân trần ra ngoài để tránh bị cắt và trầy da
Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày