1. Insulin là gì?
Insulin là một hormone có tác dụng đưa glucose trong máu vào các tế bào để tạo ra năng lượng. Người bệnh đái tháo đường típ 1 sản xuất rất ít hoặc không thể sản xuất insulin, dẫn đến glucose máu tăng cao. Do đó, tất cả người bệnh đái tháo đường típ 1 đều cần tiêm insulin.
Mục tiêu của việc điều trị với insulin là đạt được sự tương hợp tốt nhất có thể giữa liều insulin được tiêm và nhu cầu insulin của cơ thể trong suốt cả ngày và đêm. Từ đó, đường huyết sẽ được giữ ổn định ở mức gần với bình thường nhất, giúp tránh các biến chứng cấp và mạn tính của đái tháo đường.
Loại insulin và liều insulin hàng ngày được sử dụng tùy thuộc vào từng người bệnh khác nhau. Một số người cần tiêm 2 mũi mỗi ngày, nhưng một số khác có thể phải tiêm nhiều mũi hơn mới kiểm soát được đường huyết.
2. Các loại insulin
Insulin tác dụng nhanh
Insulin tác dụng nhanh giúp kiểm soát lượng đường huyết tăng nhanh trong máu sau ăn. Nó có tác dụng nhanh, nhưng chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn. Thời gian chính xác để tiêm insulin nhanh phụ thuộc vào giờ ăn của người bệnh. Tùy thuộc vào loại insulin nhanh mà bạn sử dụng, insulin nhanh thường được tiêm trong vòng 30 phút trước bữa ăn hoặc có loại tiêm ngay trước khi ăn,
Insulin tác dụng dài (Insulin nền)
Insulin nền có tác dụng chậm và kéo dài cả ngày. Nó điều chỉnh lượng đường huyết giữa các bữa ăn, giúp giữ ổn định chỉ số đường huyết suốt cả ngày và đêm. Insulin nền thường được tiêm vào buổi tối.
Thời gian tiêm insulin chính xác tùy thuộc vào loại insulin mà người bệnh dùng. Hãy trao đổi với bác sĩ hoặc điều dưỡng về liều và thời gian tiêm insulin phù hợp nhất. Ở những trẻ em mắc đái tháo đường típ 1 khi đang lớn, nhu cầu insulin cần đối với sự phát triển của trẻ cũng tăng theo. Giải pháp cho vấn đề này là cha mẹ (hoặc người chăm sóc chính) phải thường xuyên trao đổi với trẻ về tình trạng bệnh, cũng như trao đổi với bác sĩ và điều dưỡng.
3. Tác dụng của insulin
Insulin sẽ có hiệu quả giảm đường một khi đã tiêm vào và tác dụng của nó không thể tự biến mất. Do đó, điều quan trọng là chọn thời gian và liều insulin phù hợp với nhu cầu của cơ thể trong suốt cả ngày và đêm. Kiểm soát đường huyết tốt là kết quả của việc tuân thủ kế hoạch điều trị và duy trì lối sống khoẻ mạnh. Người bệnh đái tháo đường nên được khuyến khích tuần thủ chế độ ăn và tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày; như vậy, đường huyết sẽ dễ dàng được kiểm soát.
Mặc dù đã có nỗ lực tốt nhất của ba mẹ, người chăm sóc, nhân viên y tế, cũng như của bản thân người bệnh mắc đái tháo đường típ 1, nhưng đường huyết đôi khi cũng không thể kiểm soát một cách hoàn hảo. Ở tất cả người bệnh đái tháo đường típ 1, dù trẻ em hay người lớn, so với nhu cầu của cơ thể thì nếu liều insulin quá nhiều dẫn đến đường huyết giảm quá thấp hoặc liều insulin quá ít làm cho đường huyết tăng quá cao.
Một vấn đề cần lưu ý ở người bệnh dùng insulin là tình trạng đường huyết thấp, hay gọi là hạ đường huyết. Nó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, với những tình huống thường thấy ở người bệnh ăn uống kém, hoặc tập luyện thể chất nhiều hơn bình thường.
Ở một số người bệnh đái tháo đường, việc tiêm đi tiêm lại insulin tại một vị trí có thể làm dày hoặc xơ chai mô mỡ dưới da, gọi là tình trạng loạn dưỡng mỡ (hay teo mô mỡ). Tiêm insulin vào vùng da bị loạn dưỡng mỡ làm insulin không được hấp thu ổn định, nên có thể cần một thời gian lâu hơn để insulin phát huy tác dụng. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo nên thay đổi vị trí tiêm insulin.