1. Hạ đường huyết là gì
Hạ đường huyết xảy ra khi mức đường huyết thấp dưới mức 4 mmol/l (72 mg/dl).
Hạ đường huyết thường gặp và xảy ra hầu hết ở các bệnh nhân đái tháo đường típ 1
Đôi khi hạ đường huyết có thể trở nên nguy hiểm và gây ngất xỉu hoặc co giật. Nếu điều đó xảy ra, bạn phải đến ngay trung tâm y tế điều trị cho người bệnh đái tháo đường.
2. Làm thế nào để nhận biết hạ đường huyết
Các dấu hiệu và triệu chứng của hạ đường huyết có thể khác nhau tùy thuộc vào mỗi bệnh nhân và tốc độ giảm đường huyết
Các dấu hiệu cảnh báo của đường huyết thấp bao gồm:
– Đổ mồ hôi
– Đói
– Nhịp tim nhanh
– Nói khó
– Lo lắng
– Hoa mắt
– Mệt mỏi
– Nhìn mờ
– Khóc không rõ lí do
– Run
Hãy nhớ rằng: Những cảm giác này không phải lúc nào cũng là do hạ đường huyết gây ra. Người bệnh nên được kiểm tra đường huyết khi cảm thấy không khỏe. ĐỪNG ĐOÁN! Nếu bị hạ đường huyết về đêm, người bệnh có thể khóc từng cơn, gặp ác mộng hoặc đổ mồ hôi ban đêm (ướt gối và quần áo); và sau đó cảm thấy cáu kỉnh và nhức đầu khi thức dậy.
3. Nguyên nhân của đường huyết thấp.
Hạ đường huyết có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng thường xảy ra hơn nếu người bệnh bị đái tháo đường típ 1:
– Bỏ bữa ăn trễ các bữa ăn chính hoặc bữa phụ, hoặc không ăn đủ lượng carbohydrate (tinh bột) so với liều tiêm insulin.
– Sử dụng quá liều insulin, dùng sai loại insulin hoặc dùng insulin không đúng thời điểm
– Tập thể dục nhiều hơn bình thường mà không ăn thêm thức ăn nhẹ hoặc không điều chỉnh liều insulin
Mức đường huyết thấp cũng có thể xảy ra:
– Trong khi ngủ, được gọi là hạ đường huyết về đêm
– Vài giờ sau khi tập thể dục, được gọi là hạ đường huyết muộn sau tập thể dục
– Uống rượu bia hoặc các thức uống có cồn làm cơ thể mất khả năng giữ đường huyết bình thường, có thể gây giảm đường huyết đột ngột. Sử dụng thức uống có cồn và ma tuý là những yếu tố nguy cơ nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khoẻ
4. Kiểm tra về hạ đường huyết
Cách duy nhất để biết chắc chắn ai đó có mức đường huyết thấp hay không là kiểm tra bằng máy đo đường huyết. Tuy nhiên, nếu tình huống không thể hoặc không thuận tiện để kiểm tra nhanh đường huyết, điều quan trọng là phải điều trị hạ đường huyết ngay lập tức để ngăn chặn các triệu chứng trở nên nặng và nguy hiểm.
Điều quan trọng là phải thảo luận về các dấu hiệu và triệu chứng của đường huyết thấp với những người bị bệnh đái tháo đường típ 1. Họ cần hiểu mối liên hệ giữa các triệu chứng và nhu cầu điều trị. Trẻ em mắc bệnh đái tháo đường nên biết khi nào và làm thế nào để tìm người lớn giúp đỡ.
5. Làm thế nào để điều trị mức đường huyết thấp (Hạ đường huyết)?
Nếu đường huyết dưới 4,0 mmol / l (72mg / dL) phải nhanh chóng xử lý ngay.
Dưới đây là các bước bạn phải làm theo:
– Cho 1 muỗng si-rô hoặc uống nửa ly đồ uống ngọt (ví dụ như nước ép trái cây nguyên chất hoặc nước ngọt Coca-cola (hông phải loại không đường ăn kiêng), sau đó để người bệnh nghỉ ngơi trong 15 phút rồi kiểm tra lại đường huyết
– Nếu mức đường huyết cao hơn 4,0 mmol / L (72mg / dL), kiểm tra lại sau 20-30 phút để xác nhận mức đường huyết mục tiêu (> 4,0 mmol / L) được duy trì
– Nếu đường huyết vẫn dưới 4,0 mmol /L (72mg /dL), cho người bệnh uống thêm 1 muỗng si-rô hoặc uống nửa ly nước ngọt (ví dụ như nước trái cây nguyên chất hoặc nước ngọt Coca-cola (không phải loại không đường ăn kiêng), sau đó để người bệnh nghỉ ngơi 15 phút rồi kiểm tra lại đường huyết một lần nữa.
Nếu tình trạng hạ đường huyết xảy ra ngay trước giờ ăn (khi thường dùng insulin) thì tình trạng hạ đường huyết nên được điều trị trước và khi đường huyết> 4,0 mmol / L (> 72mg / dL) thì nên tiêm insulin như bình thường và sau đó ăn bữa ăn. KHÔNG BỎ INSULIN, đặc biệt quan trọng với tình trạng hạ đường huyết vào buổi sáng sớm.
Nếu người bệnh đang bị co giật hoặc bất tỉnh, đừng cố cho họ ăn vì điều này có thể dẫn đến nguy cơ nghẹt thở hoặc hít sặc (thức ăn đi vào đường thở có thể gây viêm phổi nguy hiểm tính mạng). Bạn phải đến bệnh viện cấp cứu.