1. Tăng đường huyết là gì?
Đường huyết là lượng đường glucose trong máu. Tăng đường huyết là khi đường huyết cao hơn 14 mmol/L (250 mg/dl). Đường huyết tăng quá cao có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cần được điều trị ngay.
Nếu không được điều trị phù hợp, đường huyết sẽ tăng cao đến mức nguy hiểm như hôn mê tăng đường huyết và cần phải nhập viện.
Đường huyết cao kéo dài có thể gây tổn thương thần kinh, mạch máu, và các cơ quan quan trọng, dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận, mù mắt, vết thương không lành và cắt cụt chân.
2. Làm sao nhận biết tăng đường huyết?
Dấu hiệu của tăng đường huyết có thể khác nhau tùy người.
Dưới đây là những triệu chứng thường gặp:
– Luôn luôn khát nước
– Tiểu nhiều, đặc biệt là vào ban đêm
– Mờ mắt
– Luôn luôn mệt mỏi
– Khô miệng
Khi đường huyết tăng rất cao, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng sau:
– Nôn ói
– Đau vùng bụng trên rốn
– Khó thở
– Hơi thở có mùi rượu
Khi đường huyết tăng cao hơn nữa, người bệnh có thể lơ mơ, hôn mê và cần phải nhập viện.
3. Nguyên nhân tăng đường huyết là gì?
Điều trị đái tháo đường típ 1 bao gồm tiêm insulin, chế độ ăn, và chế độ vận động.
Cần kết hợp cả insulin, chế độ ăn, chế độ vận động để kiểm soát tốt đường huyết. Chỉ cần 1 trong 3 yếu tố trên không được kiểm soát tốt, đường huyết sẽ không ổn định. Một số nguyên nhân thường gặp của tăng đường huyết như:
– Quên tiêm insulin hoặc tiêm không đủ liều insulin
– Insulin bị hết hạn dùng hoặc bảo quản không đúng
– Ăn vặt quá nhiều
– Ăn, uống quá nhiều chất bột đường
– Tập thể dục ít hơn bình thường
– Bị nhiễm trùng, bị các bệnh lý khác hoặc có kinh
– Hưng phấn hoặc căng thẳng
– Đôi khi trong lúc tập hoặc ngay sau khi tập thể dục cường độ nặng (tăng đường huyết do căng thẳng)
– Dùng các thuốc làm tăng đường huyết
4. Phát hiện tăng đường huyết
Người bệnh cần kiểm tra đường huyết nhiều lần trong ngày bằng máy đo đường huyết mao mạch. Kiểm tra đường huyết giúp người bệnh biết được khi nào đường huyết cao. Một số người bệnh có đường huyết cao nhưng không nhận ra do không có triệu chứng và không kiểm tra đường huyết.
Nếu đường huyết của người bệnh cao, bác sĩ có thể điều chỉnh liều insulin hoặc tư vấn chế độ ăn để ổn định đường huyết.
5. Xử trí tăng đường huyết như thế nào?
Nếu đường huyết của bạn cao hơn 14 mmol/L (250 mg/dl), bạn nên nhanh chóng điều chỉnh:
Những việc cần làm khi đường huyết cao:
– Thử đường huyết và nếu cần, tiêm một mũi insulin tác dụng ngắn
– Liên hệ bác sĩ để được hướng dẫn về liều insulin cần tiêm thêm nếu không chắc chắn
– Uống nhiều nước (ít nhất 1 ly nước mỗi giờ)
– Tránh tập thể dục mạnh
– Kiểm tra lại đường huyết sau 2 giờ
Nếu đường huyết vẫn trên 14 mmol/L (250 mg/dl), liên hệ ngay với bác sĩ
Nếu đường huyết trên 22 mmol/L (400mg/dl) nghĩa là người bệnh bị tăng đường huyết nặng. Khi đó, tiêm ngay 1 mũi insulin tác dụng ngắn (với liều bằng 10% tổng liều insulin hàng ngày) và liên hệ ngay với bác sĩ.