
Thông tin T1D
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Về chúng tôi
Đái tháo đường type 1 và sức khỏe tinh thần của bệnh nhân
Biên tập: 17.03.2025
Việc kiểm soát cuộc sống khi mắc đái tháo đường type 1 có thể khó khăn hơn hiện tại. Việc bệnh kéo dài mạn tính buộc bệnh nhân phải chăm sóc bản thân thường xuyên hơn. Điều này dễ dẫn đến căng thẳng.
Tuy nhiên, việc người bệnh luôn trong trạng thái lo lắng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn khiến sức khỏe thể chất trở nên tệ hơn.
Khi bạn căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone căng thẳng có khả năng khiến gan giải phóng glucose. Nếu mắc đái tháo đường type 1, tăng thêm glucose trong máu đồng nghĩa với việc bạn cần nhiều insulin hơn để "đối phó" với tình trạng mức đường huyết tăng cao. Sức khỏe tổng thể của bạn có thể đi xuống, trong đó sức khỏe tinh thần ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, từ đó lại gây tác động ngược đến sức khỏe tinh thần.
Trong bài viết này, mời bạn cùng tìm hiểu về mối liên hệ giữa bệnh đái tháo đường và sức khỏe tinh thần, cùng với đó là cách để thoát khỏi "vòng lẩn quẩn" này.
Hãy cùng khám phá những chuyển biến tâm lý khác nhau mà người bệnh đái tháo đường có thể trải qua. Nhiều người mắc đái tháo đường lo lắng làm cách nào để kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình cũng như hạn chế các biến chứng.
Việc phải liên tục theo dõi và điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách tiêm insulin và lên kế hoạch ăn uống cẩn thận có thể gây căng thẳng cho bất kỳ bệnh nhân nào. Chối bỏ những điều đang xảy ra, cảm thấy tồi tệ hoặc thậm chí tức giận với bản thân vì bệnh tình của mình sẽ chỉ khiến bệnh nhân căng thẳng thêm. Những cảm xúc tiêu cực như không thể chấp nhận bản thân, đổ lỗi cho người khác và lo lắng sẽ khiến năng lượng của bệnh nhân tiêu hao một cách vô nghĩa, có thể dẫn đến kiệt sức vì bệnh hoặc thậm chí gây ra những vấn đề về tinh thần khác.
Các nhà nghiên cứu đã bàn luận về việc tình trạng kiệt sức do bệnh đái tháo đường sẽ trở nên tồi tệ như thế nào vì người bệnh không quan tâm đến sức khỏe thể chất, tinh thần, khả năng giao tiếp xã hội và cảm xúc của bản thân. Và bệnh đái tháo đường không bao giờ dừng lại.
Chăm sóc và yêu thương bản thân có thể là việc khó khăn đối với bệnh nhân đái tháo đường type 1, những người thường có nhiều suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Điều này khiến việc kết nối với người khác, sống lạc quan và trò chuyện với đội ngũ chăm sóc y tế khó được thực hiện.
Hãy nghỉ ngơi. Mặc dù không thể "làm lơ" đái tháo đường nhưng đôi khi bạn xứng đáng được nghỉ ngơi để tiết kiệm năng lượng cho bản thân.
Tập trung chăm sóc bản thân. Hãy cho phép bản thân có thời gian tận hưởng các hoạt động mà mình yêu thích. Điều này giúp bạn có không gian để giải phóng cảm xúc và những lo lắng về sức khỏe.
Đo đường huyết thường xuyên hơn để nhận thức tốt hơn về bệnh. Khi càng có nhiều dữ liệu, dù lượng đường trong máu ở mức thấp, trung bình hay cao thì cũng có thể giúp bạn nhận thức rõ hơn về mức đường huyết của bản thân. Nếu việc này khiến bạn cảm thấy căng thẳng, hãy trao đổi với đội ngũ y bác sĩ của mình để có cách giảm bớt những gánh nặng này. Chỉ việc trò chuyện với ai đó cũng có thể giúp bạn giảm bớt nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.
Hãy trò chuyện. Hãy chia sẻ và thừa nhận với gia đình, bạn bè rằng mình đang căng thẳng. Điều này có thể giúp bạn cảm thấy giải tỏa cũng như suy nghĩ tích cực hơn về bệnh đái tháo đường type 1 và sức khỏe tinh thần của bản thân. Không chỉ vậy, việc sẻ chia cũng giúp những người thân yêu tìm ra cách để có thể hỗ trợ bạn kiểm soát đái tháo đường type 1 tốt hơn. Một số bệnh nhân đái tháo đường type 1 sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của người thân để nhắc nhở mình tiêm insulin và ăn uống đúng giờ. Một lựa chọn thay thế nếu bạn không muốn dựa dẫm vào người khác chính là tự đặt lời nhắc trên điện thoại.
Thực hiện những thay đổi nhỏ. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị về cách họ có thể giúp bạn thực hiện những thay đổi nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Nếu bác sĩ đề xuất những lựa chọn khác như sử dụng công nghệ trong kiểm soát đái tháo đường type 1 (dùng máy tiêm insulin tự động hoặc hệ thống theo dõi đường huyết liên tục) để giúp bạn bớt căng thẳng thì thật tuyệt vời.
Thay đổi cách nhìn nhận của bạn. Bạn đôi khi phải từ bỏ một số thứ nếu mắc đái tháo đường type 1. Tuy nhiên, những thứ bạn từ bỏ có thể trở thành những chiến thắng và niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống. Ví dụ, nếu muốn ăn vặt hoặc ăn đồ ngọt để cảm thấy dễ chịu hơn thì bạn vẫn có thể tiêu thụ. Bạn chỉ cần nhớ phải kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, tiêm insulin khi cần thiết và tập thể dục nhẹ nhàng.
Hãy hòa nhập. Việc tìm kiếm và tham gia các nhóm hoặc diễn đàn trực tuyến dành cho người mắc đái tháo đường type 1 sẽ giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn, dạy cho bạn những điều mới, mang lại cho bạn cảm giác được hỗ trợ và tiếp thêm sức mạnh để bạn tiếp tục cố gắng. Việc chia sẻ với mọi người giúp bạn đối phó tốt hơn với bệnh đái tháo đường cũng như các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần của bản thân.
Tiếp cận với các phương pháp trị liệu tâm lý. Nếu mọi việc vẫn còn quá sức với bạn, hãy chia sẻ với bác sĩ, bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý. Họ có thể giúp bạn giải quyết các vấn đề tâm lý đang gặp phải. Họ sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này và chia sẻ những cách tốt nhất để đối phó với bệnh đái tháo đường. Đối diện trực tiếp với những căng thẳng trong cuộc sống có thể đồng nghĩa với việc bạn phải giải quyết nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn so với trước đây. Thử thách lớn nhất nhưng cũng là điều tốt nhất bạn nên làm chính là chấp nhận và tập yêu lấy bệnh tình của mình.
Những người đã và đang kiểm soát thành công bệnh đái tháo đường thường xem tình trạng bệnh là điều khiến họ trở nên mạnh mẽ, bền bỉ và quyết tâm hơn để vượt qua những thời điểm khó khăn.
Việc này có thể không dễ dàng. Bạn cần phải dành thời gian, công sức và quan trọng nhất là chấp nhận cũng như tìm hiểu kỹ tình trạng bệnh của mình. Căng thẳng lặp đi lặp lại có thể gây ra nhiều khó khăn và mệt mỏi nhưng cũng có khả năng giúp bạn nạp lại năng lượng và cảm thấy tốt hơn.
Khi đã chấp nhận rằng bản thân mắc đái tháo đường type 1, bạn sẽ dễ dàng vượt qua những thăng trầm khi sống chung với bệnh.
Bạn có thể học được cách "giải quyết" các vấn đề gây căng thẳng tốt hơn nếu biết trước khi nào chúng xảy ra. Bạn hãy cố gắng phấn đấu để phát triển và gặt hái được những thành công trong quá trình kiểm soát bệnh. Bạn sẽ đến đích sớm thôi. Bạn sẽ thành công. Hãy tin vào chính mình.