
Thông tin T1D
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Về chúng tôi
Xử trí tăng đường huyết
Biên tập: 17.03.2025
Mức đường huyết là thuật ngữ dùng để chỉ lượng glucose trong máu. Khi mức đường huyết tăng cao, trên 14 mmol/L (250 mg/dl), được gọi là tăng đường huyết. Việc mức đường huyết tăng lên quá cao có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng cần được điều trị y tế ngay lập tức.
Nếu không được điều trị phù hợp, tình trạng tăng đường huyết có thể trở nên nguy hiểm và dẫn đến nhiều biến chứng cần được chăm sóc khẩn cấp, chẳng hạn như hôn mê do đái tháo đường.
Lượng đường trong máu tăng quá cao trong thời gian dài có thể làm tổn thương dây thần kinh, mạch máu và các cơ quan quan trọng, từ đó dẫn đến các vấn đề sức khỏe như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận, mất thị lực, vết thương chậm lành hoặc phải đoạn chi.
Dấu hiệu, triệu chứng của tình trạng tăng đường huyết có thể khác nhau ở mỗi người.
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu của bạn đang tăng cao:
– Luôn cảm thấy khát nước
– Tiểu nhiều, đặc biệt vào ban đêm
– Mờ mắt
– Mệt mỏi
– Khô miệng
Khi đường huyết tăng rất cao, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng sau:
– Nôn ói
– Đau bụng
– Khó thở
– Hơi thở có mùi rượu
Đôi khi, tình trạng tăng đường huyết có thể nghiêm trọng đến mức khiến bạn ngất xỉu hoặc mất ý thức. Nếu gặp phải bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, bạn cần đến bệnh viện hoặc phòng khám ngay.
Kế hoạch kiểm soát bệnh đái tháo đường type 1 bao gồm ba yếu tố là sử dụng insulin, quản lý lượng thực phẩm tiêu thụ và hoạt động thể chất thường xuyên.
Trên thực tế, ba yếu tố này cần được cân bằng với nhau. Nếu bất kỳ yếu tố nào bị thay đổi, mức đường huyết của bạn cũng sẽ “biến động” theo. Nhìn chung, lượng đường trong máu của bạn có thể tăng cao hơn bình thường do:
– Quên tiêm hoặc tiêm không đủ liều insulin
– Sử dụng insulin đã hết hạn hoặc bảo quản không đúng cách
– Không tuân theo chế độ ăn uống đã xây dựng (ăn quá thường xuyên hoặc ăn vặt nhiều)
– Ăn nhiều thực phẩm chứa carbohydrate hoặc uống nhiều đồ uống có đường
– Tập thể dục ít hơn bình thường
– Bị nhiễm trùng, mắc các bệnh lý khác hoặc đang hành kinh
– Ảnh hưởng bởi cảm xúc, chẳng hạn như quá phấn khích hoặc căng thẳng
– Đôi khi xảy ra tạm thời trong hoặc ngay sau khi tập thể dục với cường độ cao
– Sử dụng các loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc điều trị đái tháo đường
Là một phần trong quá trình kiểm soát bệnh đái tháo đường type 1, người bệnh cần đo đường huyết nhiều lần trong ngày bằng máy đo đường huyết. Việc này sẽ giúp bệnh nhân xác định được khi nào lượng đường trong máu đang tăng cao, ngay cả khi không nhận thấy triệu chứng. Một số người có mức đường huyết tăng đủ cao để gây hại cho cơ thể mà không hề nhận ra vì lơ là việc kiểm tra đường huyết.
Nếu nhận thấy lượng đường trong máu của bệnh nhân tăng cao, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi liều lượng insulin sử dụng hoặc chế độ ăn uống để đưa mức đường huyết trở về mức mục tiêu.
Nếu mức đường huyết tăng trên 14 mmol/L (250 mg/dl), người bệnh cần xử trí ngay.
Dưới đây là những bước bạn cần thực hiện:
– Kiểm tra đường huyết và tiêm insulin tác dụng ngắn
– Liên hệ với bác sĩ để hỏi về liều lượng insulin cần tiêm thêm và những gì mình cần làm để xử trí tình trạng này
– Uống nhiều nước (ít nhất 1 ly nước mỗi giờ)
– Hạn chế vận động quá sức
– Đo đường huyết sau 2 giờ
Nếu lượng đường trong máu vẫn trên 14 mmol/L (250 mg/dl), hãy liên hệ ngay với bác sĩ.
Nếu mức đường huyết trên 22 mmol/L (400mg/dl) nghĩa là bạn đang bị tăng đường huyết nghiêm trọng. Khi đó, bạn cần tiêm 1 mũi insulin tác dụng ngắn (với liều lượng bằng 10% tổng liều hằng ngày) và liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
Tăng đường huyết là tình trạng xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao, vượt quá mức bình thường. Tình trạng tăng đường huyết kéo dài có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến bệnh đái tháo đường và trong trường hợp nguy hiểm hơn có khả năng đe dọa đến tính mạng.
Với người bị đái tháo đường type 1, việc hạn chế tình trạng tăng đường huyết là một phần không thể thiếu trong quá trình kiểm soát bệnh. Việc này có thể được thực hiện bằng cách theo dõi lượng thực phẩm tiêu thụ cũng như đo đường huyết thường xuyên để đảm bảo rằng mức đường huyết luôn nằm trong phạm vi bình thường. Thêm một việc quan trọng nữa mà bệnh nhân đái tháo đường cần làm là tuân theo lời khuyên và hướng dẫn điều trị của bác sĩ.