Thông tin T1D

Biểu tượng

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe

Về chúng tôi

Tập thể dục cho người tiểu đường: Những bí quyết hữu ích

Biên tập: 17.03.2025

Anne-Charlotte Ficheroulle

Pharmacist, Digital Innovation Manager, A4D

1. Vì sao người bệnh tiểu đường cần vận động thường xuyên?

Việc hoạt động thể chất, tập thể dục thường xuyên rất cần thiết cho bệnh nhân tiểu đường vì sẽ giúp cơ thể duy trì mức năng lượng cũng như cân nặng khỏe mạnh. Việc này còn góp phần cải thiện hiệu quả của quá trình kiểm soát đường huyết và xây dựng sự tự tin cho bệnh nhân.
Bất kỳ hoạt động thể chất nào cũng có lợi, từ đi bộ, đạp xe đạp cho đến đá bóng. Người bệnh tiểu đường hãy cố gắng tăng dần mức độ vận động. Khi bắt đầu, bệnh nhân nên đặt mục tiêu tập thể dục 30 phút mỗi ngày, sau đó tăng dần lên 60 phút/ngày trong 5 – 6 ngày/tuần.

2. Hoạt động thể chất tác động như thế nào đến mức đường huyết?

Việc tập thể dục và thực hiện các hoạt động thể chất có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu theo nhiều cách khác nhau.

Vận động thường xuyên sẽ giúp giảm lượng đường trong máu bằng cách:
– Giúp cơ bắp sử dụng nhiều glucose để tạo năng lượng hơn
– Tăng mức độ nhạy cảm của cơ thể với insulin

Đôi khi, việc vận động thể chất có thể làm tăng mức đường huyết do:
– Tác động của các loại hormone khác lên cơ thể (thường tạm thời do căng thẳng hoặc hưng phấn)
– Bị ốm

3. Bí quyết tập thể dục cho người mắc bệnh tiểu đường type 1

Đo đường huyết trước khi tập luyện: Điều này giúp bệnh nhân tiểu đường xác định được lượng thức ăn cần tiêu thụ trước khi tập.

– Mang theo thức ăn bên người: Người bệnh tiểu đường nên mang theo thức ăn như nước trái cây hoặc bánh quy bên người khi đi tập thể dục để điều trị khi bị hạ đường huyết.

Trao đổi với huấn luyện viên: Bạn hãy đảm bảo rằng mình tập luyện dưới sự giám sát của các huấn luyện viên hoặc giáo viên giàu kinh nghiệm, có thể hỗ trợ trong trường hợp bạn bị hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết.

– Tiêm insulin: Tránh tập thể dục trong vòng 2 giờ sau khi tiêm insulin vì có thể làm mức đường huyết hạ nhanh hơn bình thường. Người bệnh tiểu đường nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ để hiểu rõ hơn về thời gian tiêm insulin.

– Thức ăn nên tiêu thụ trước khi tập thể dục: Người bệnh nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ về lượng thức ăn cần tiêu thụ trước khi tập thể dục. Một số loại thực phẩm phù hợp mà bạn có thể lựa chọn, bao gồm: trái cây, sữa ít béo, sữa chua, bánh quy hoặc một lát bánh mì.

– Lưu ý khi muốn kéo dài thời gian luyện tập: Nếu muốn kéo dài thời gian luyện tập thì bạn có thể cần bổ sung thêm carbohydrate và/hoặc giảm liều insulin sử dụng. Bạn hãy trao đổi thêm với bác sĩ điều trị về việc này.

4. “Làm chủ” sức khoẻ của bản thân

Người bệnh nên là người tự kiểm soát sức khỏe của chính mình. Hãy chủ động chia sẻ với huấn luyện viên hoặc giáo viên thể dục nếu cảm thấy không khỏe trong quá trình tập luyện.

Việc tạm ngừng tập thể dục hoặc ngưng chơi một môn thể thao nào đó khi cần là hoàn toàn bình thường. Người bệnh phải quan tâm đến nhu cầu của bản thân khi kiểm soát bệnh tiểu đường, chẳng hạn như đo đường huyết hoặc ăn một bữa nhẹ nếu có triệu chứng hạ đường huyết.

5. Việc tập thể dục cho người bệnh tiểu đường có biến chứng

Một điều quan trọng cần lưu ý là bệnh nhân tiểu đường đôi khi có thể mắc phải các bệnh lý khác như bệnh thần kinh hoặc bệnh tim mạch. Việc hoạt động thể chất mà không cân nhắc đến những bệnh lý này có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe hơn hoặc trong một số trường hợp, dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng.

Chẳng hạn như, một người gặp các vấn đề về thần kinh ở bàn chân có thể cảm thấy khó khăn khi đi bộ hoặc chạy bộ. Ngoài ra, biến chứng này còn có nguy cơ gây chấn thương hoặc làm xuất hiện tổn thương, vết loét ở bàn chân, từ đó dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn cho bệnh nhân tiểu đường nếu không được xử lý ngay lập tức.

Trong trường hợp bệnh nhân tiểu đường gặp phải các vấn đề tim mạch, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập thể dục cũng như hỏi xem bản thân có thể thực hiện và nên tránh các hoạt động thể chất nào. Bằng cách này, bạn sẽ điều chỉnh được chế độ luyện tập của mình để bổ sung các hoạt động thể chất an toàn cho sức khỏe.

Một bí quyết tập thể dục cho bệnh nhân tiểu đường là người bệnh nên ghi ra các bài tập mà mình dự kiến thực hiện và ảnh hưởng của những bài tập này đối với cơ thể. Nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc ngất xỉu sau khi tập thể dục, bệnh nhân có thể cần giảm cường độ luyện tập để dễ kiểm soát tình trạng sức khỏe hơn. Đối với những bệnh nhân gặp biến chứng thần kinh do tiểu đường, bạn cần kiểm tra cơ thể thường xuyên để xem có vết thương hoặc vết loét nào xuất hiện do tập thể dục hay không.

4. Điều cần ghi nhớ

Tập thể dục là hoạt động quan trọng giúp tăng cường thể chất và duy trì các chức năng cần thiết của cơ thể. Đối với bệnh nhân tiểu đường, hoạt động thể chất lại càng quan trọng bởi việc này sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát biến chứng của bệnh tốt hơn, thậm chí có thể giúp ổn định lượng đường trong máu.

Bệnh nhân tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập thể dục, đặc biệt là khi tập với cường độ cao. Điều này là do bệnh nhân tiểu đường có thể gặp phải một số biến chứng nhất định khiến việc hoạt động thể chất trở nên không an toàn hoặc nguy hiểm đối với sức khỏe. Mặc dù vậy, các bác sĩ vẫn khuyến khích bệnh nhân tiểu đường nên cố gắng hoạt động thể chất thường xuyên để duy trì sức khỏe và ngăn ngừa các vấn đề khác có thể xảy ra.

Hãy trả lời các câu trắc nghiệm về tập thể dục

Biểu tượng Tuyên bố từ chối trách nhiệm: