
Thông tin T1D
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Về chúng tôi
Làm thế nào để đo đường huyết chính xác và hiệu quả?
Biên tập: 17.03.2025
Máy đo đường huyết
Máy đo đường huyết là một thiết bị điện tử cầm tay được sử dụng để đo lượng đường trong máu của bạn. Theo đó, mẫu bạn sử dụng để đo đường huyết bằng máy đo chỉ là một giọt máu nhỏ lấy từ ngón tay.
Máy đo đường huyết cần được sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và hiệu chuẩn thường xuyên. Quy trình sử dụng có thể khác nhau giữa các dòng máy. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và hỏi bác sĩ/y tá về cách dùng cũng như cất giữ máy đo đường huyết.
Que thử đường huyết
Bạn chỉ được sử dụng que thử đường huyết đi kèm và được thiết kế riêng cho máy đo đường huyết của mình. Đồng thời, mỗi que thử đường huyết chỉ có thể được sử dụng một lần duy nhất. Điều đó có nghĩa là bạn cần dùng một que thử đường huyết mới trong mỗi lần đo đường huyết. Không sử dụng que thử đường huyết đã hết hạn. Bảo quản que thử đúng theo hướng dẫn. Không đặt que thử trong tủ lạnh.
Kim và bút lấy máu
Kim lấy máu nhỏ và sắc nhọn, được sử dụng để đâm xuyên qua da. Bạn sẽ cần sử dụng bút lấy máu có gắn kim để trích lấy một giọt máu ở đầu ngón tay nhằm thực hiện đo đường huyết.
Bạn nên đo đường huyết ít nhất 4 lần/ ngày nhưng nếu có đủ que thử đường huyết thì hãy cố gắng thực hiện 6 lần mỗi ngày và nhớ ghi chép lại kết quả của từng lần đo.
Thời điểm tốt nhất để đo đường huyết là:
1. Sau khi ngủ dậy, trước bữa sáng
2. Trước khi ăn trưa
3. Trước khi ăn tối
4. Trước khi ngủ
Nếu có đủ que thử, bạn có thể tiến hành đo đường huyết thêm nhiều lần tại các thời điểm:
5. Sau khi ăn sáng 2,5 giờ
6. Sau khi ăn trưa 2,5 giờ
Bạn có thể đo đường huyết thường xuyên hơn nếu thực hiện các hoạt động thể chất cường độ cao (trước, trong và sau khi tập vài giờ), đôi khi có thể thực hiện vào ban đêm để phát hiện tình trạng tăng/ giảm đường huyết về đêm hoặc khi bị ốm để ngăn ngừa các cơn tăng huyết áp. Việc đo đường huyết cũng rất quan trọng để xác định tình trạng hạ đường huyết (mức đường huyết thấp) và theo dõi quá trình hồi phục.
Việc không thể kiểm soát mức đường huyết không chỉ gây ra các vấn đề sức khỏe cấp tính như hạ đường huyết mà còn dẫn đến nhiều tình trạng có khả năng đe dọa tính mạng như nhiễm toan ceton do đái tháo đường (DKA) và hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.
Việc theo dõi đường huyết thường xuyên đóng vai trò quan trọng quyết định thành công của quá trình kiểm soát đái tháo đường. Nếu có đủ que thử, bạn có thể thực hiện đo đường huyết 6 lần mỗi ngày. Các kết quả cần được bác sĩ xem xét thường xuyên để xác định mô hình dao động glucose của bạn. Với thông tin này, bác sĩ có thể điều chỉnh kế hoạch điều trị bệnh đái tháo đường cho bạn.
Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có đủ 6 que thử để sử dụng mỗi ngày. Nếu có ít hơn, hãy cố gắng kiểm tra mức đường huyết ít nhất 4 lần mỗi ngày, trước các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Đồng thời, bạn cần liên tục cập nhật và thảo luận về kết quả đo với bác sĩ.
1. Rửa sạch và lau khô tay
2. Đưa que thử vào máy đo đường huyết
3. Bấm bút lấy máu để kim gắn trên bút đâm qua da ở vị trí cạnh bên đầu ngón tay của bạn
4. Nhỏ giọt máu vào que thử cho đến khi que thử thấm đủ máu để bắt đầu đo
5. Chỉ trong vài giây, máy đo đường huyết sẽ hiển thị kết quả
6. Ghi lại kết quả vào sổ theo dõi đường huyết của bạn
7. Bỏ kim lấy máu và que thử đã sử dụng đúng cách. Cất giữ máy đo đường huyết theo hướng dẫn.
Lời khuyên: Khi chọn vị trí lấy máu, bạn không nên lấy máu để đo đường huyết ở cùng một ngón tay. Việc lấy máu ở cạnh bên của đầu ngón tay có thể ít đau hơn ở chính giữa.
Mức đường huyết mục tiêu sẽ nằm trong khoảng 4 – 10 mmol/l (72 – 180 mg/dL).
– Mức đường huyết khi vừa thức dậy và trước các bữa ăn là từ 4 – 7 mmol/L (72 – 126mg/dL)
– Mức đường huyết sau bữa ăn và trước khi đi ngủ là từ 5 – 10 mmol/L (90 – 180 mg/dL)
Mức đường huyết mục tiêu của từng người bệnh đái tháo đường là khác nhau. Vì vậy, bạn cần trao đổi với bác sĩ về mức đường huyết mục tiêu mà mình cần đạt được.
Nếu kết quả đo đường huyết dưới 4,0 mmol/L (72 mg/dL) thì được xem là hạ đường huyết. Hãy tham khảo thông tin về hạ đường huyết để biết thêm chi tiết.
Đôi khi, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng hạ đường huyết dù mức đường huyết ≥ 4,0 mmol/L (72 mg/dL). Lúc này, bạn vẫn nên xử lý như khi bị hạ đường huyết.
Bạn cần lưu ý rằng:
– Nếu mức đường huyết trước khi ăn luôn cao thì có thể liều insulin hiện tại của bạn đang quá thấp.
– Nếu mức đường huyết trước khi ăn luôn thấp thì có thể liều insulin hiện tại của bạn đang quá cao.
– Nếu mức đường huyết trước khi ăn của bạn có khi thấp, khi cao thì có thể do nhiều lý do như liều insulin, lượng thức ăn bạn tiêu thụ và mức độ vận động.
Vì vậy, bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị về vấn đề này.
Cứ mỗi 3 tháng, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm HbA1c. Kết quả của xét nghiệm này phản ánh mức đường huyết trung bình của bạn trong 2 – 3 tháng gần nhất. Chỉ số HbA1c càng cao thì hiệu quả của quá trình kiểm soát đường huyết càng kém và nguy cơ xuất hiện biến chứng của bệnh đái tháo đường càng cao.
Nếu bệnh nhân xây dựng được thói quen tự theo dõi mức đường huyết tốt, bác sĩ thường hướng đến mục tiêu đạt chỉ số HbA1c dưới 7%.
Nếu chỉ số HbA1c hiện tại của bạn trên 7,5% thì việc giảm chỉ số này dù chỉ là một ít cũng có thể làm giảm đáng kể nguy cơ gặp phải biến chứng lâu dài của đái tháo đường. Bạn hoàn toàn có thể thực hiện được điều này với thói quen đo đường huyết thường xuyên hơn.