
Thông tin T1D
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Về chúng tôi
Xử trí hạ đường huyết
Biên tập: 17.03.2025
Mức đường huyết dùng để chỉ nồng độ glucose trong máu của bạn. Tình trạng mức đường huyết giảm xuống thấp gọi là hạ đường huyết. Nếu mức đường huyết giảm xuống rất thấp có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cần được điều trị y tế ngay lập tức.
Người bị đái tháo đường type 1 cần giữ cho lượng đường trong máu không tăng quá cao hoặc giảm quá thấp.
Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng hạ đường huyết có thể khác nhau tùy vào mỗi bệnh nhân và tốc độ giảm đường huyết.
Các dấu hiệu cảnh báo hạ đường huyết là:
– Đổ nhiều mồ hôi
– Rất đói
– Tim đập nhanh
– Khó nói, nói không rõ ràng
– Bứt rứt, cáu gắt
– Chóng mặt
– Mệt mỏi
– Nhìn mờ
– Khóc không rõ lý do
– Run rẩy
Đôi khi, tình trạng hạ đường huyết có thể trở nên nghiêm trọng và gây ngất xỉu hoặc co giật.
Bạn hãy nhớ rằng, các triệu chứng này không phải lúc nào cũng do hạ đường huyết gây ra. Người bệnh cần đo đường huyết mỗi khi cảm thấy không khỏe. ĐỪNG ĐOÁN!
Nếu bị hạ đường huyết về đêm, người bệnh có thể khóc, gặp ác mộng hoặc đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm (ướt ga trải giường và quần áo) và có thể thức dậy với cảm giác đau đầu, chuếnh choáng.
Người bệnh đái tháo đường có thể bị hạ đường huyết khi:
– Bỏ bữa hoặc ăn không đủ thức ăn mỗi bữa
– Tập thể dục lâu hơn hoặc với cường độ cao hơn bình thường nhưng không ăn thêm thức ăn
– Sử dụng quá nhiều insulin
– Không cân chỉnh liều insulin tương ứng với chế độ ăn trong bữa chính, bữa phụ và chế độ luyện tập
– Trong giấc ngủ, được gọi là hạ đường huyết về đêm
– Vài giờ sau khi tập thể dục, được gọi là hạ đường huyết muộn sau tập thể dục
– Rượu bia hoặc các thức uống có cồn sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng cân bằng mức đường huyết trong cơ thể, từ đó khiến lượng đường trong máu giảm đột ngột. Đây là một rủi ro sức khỏe nghiêm trọng của việc sử dụng rượu bia và ma túy.
Ngoài ra, một số vấn đề sau cũng có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.
Bao gồm:
– Tiêm insulin vào cơ thay vì lớp mỡ dưới da
– Tiêm insulin vào các bộ phận cơ thể vận động nhiều trong một môn thể thao nào đó (như tiêm vào chân ngay trước khi tập đá bóng)
Tất cả những trường hợp này đều có thể khiến người bệnh đái tháo đường bị hạ đường huyết.
Cách duy nhất để xác định chắc chắn bạn có bị hạ đường huyết hay không chính là kiểm tra mức đường huyết. Tuy nhiên, nếu không thể thực hiện kiểm tra ngay lập tức thì điều quan trọng là bạn phải tự xử lý như mình đang bị hạ đường huyết để ngăn các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
Một số bệnh nhân đái tháo đường không nhận thấy các dấu hiệu điển hình của tình trạng hạ đường huyết. Những đối tượng này thường cần đo đường huyết thường xuyên và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung để hạn chế tình trạng lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp (Xem các mẹo phòng ngừa hạ đường huyết). Nếu gặp khó khăn trong việc nhận biết các triệu chứng của hạ đường huyết, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị của bạn.
Nếu mức đường huyết giảm dưới 4,0 mmol/L (72mg/dL), bạn cần “hành động” ngay.
Dưới đây là một số việc bạn cần làm để xử trí tình trạng này:
– Ăn 1 muỗng si-rô hoặc uống nửa cốc đồ uống ngọt như nước ép trái cây nguyên chất hoặc nước ngọt (không phải nước ngọt cho người giảm cân), sau đó nghỉ ngơi 15 phút rồi đo lại đường huyết.
– Nếu mức đường huyết cao hơn 4,0 mmol/L (72mg/dL), bạn hãy đo lại sau 20 – 30 phút để xác nhận rằng mức đường huyết mục tiêu (> 4,0 mmol/L) đã được duy trì.
– Nếu mức đường huyết vẫn dưới 4,0 mmol/L (72mg/dL), bạn hãy ăn thêm 1 muỗng si-rô hoặc uống thêm nửa cốc nước ngọt như nước trái cây hoặc nước ngọt không dành cho người ăn kiêng, sau đó nghỉ ngơi 15 phút và kiểm tra lại mức đường huyết một lần nữa.
Nếu tình trạng hạ đường huyết xảy ra ngay trước giờ ăn (thời điểm sử dụng insulin) thì tình trạng này nên được xử trí trước. Khi mức đường huyết > 4,0 mmol/L (> 72mg/dL) thì bạn nên sử dụng insulin như bình thường. KHÔNG ĐƯỢC BỎ LIỀU INSULIN, đặc biệt trong trường hợp bị hạ đường huyết vào sáng sớm.
Nếu người bệnh bị co giật hoặc bất tỉnh, không cho họ ăn bất cứ thứ gì vì như vậy có thể làm tăng nguy cơ nghẹt thở và hít phải thức ăn (thức ăn đi vào đường thở có khả năng gây viêm phổi nghiêm trọng). Bạn phải đến bệnh viện trong trường hợp khẩn cấp.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường type 1, tình trạng hạ đường huyết là một mối bận tâm lớn. Cũng chính vì vậy, bệnh nhân cần hiểu rõ các triệu chứng hạ đường huyết, cách xử lý cũng như ngăn ngừa tình trạng này ngay từ đầu.