
Thông tin T1D
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Về chúng tôi
Tình trạng căng thẳng và kiệt sức ảnh hưởng như thế nào đến bệnh nhân đái tháo đường type 1?
Biên tập: 17.03.2025
Cuộc sống mỗi ngày tồn tại cả niềm vui và sự căng thẳng. Cuộc sống của chúng ta giống như một vòng tròn, xoay quanh những nhu cầu, sự căng thẳng và niềm hạnh phúc khác nhau.
Khi kết hợp với bệnh đái tháo đường type 1, tình trạng căng thẳng sẽ khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Bệnh nhân đôi khi cần nhiều sức mạnh để vượt qua "các cơn bão" hạ đường huyết và tăng đường huyết. Đái tháo đường type 1 là một bệnh lý mạn tính cần được theo dõi mỗi ngày. Có nhiều vấn đề liên quan có thể khiến bạn cảm thấy quá tải và căng thẳng. Tình trạng này có khả năng làm thay đổi lượng đường trong máu.
Tìm được sự cân bằng trong cuộc sống khi đang phải đối mặt với cả bệnh đái tháo đường và căng thẳng không hề dễ dàng.
Việc kiểm soát bệnh đái tháo đường type 1 cả ngày lẫn đêm thường khá khó khăn vì tồn tại nhiều vấn đề mà bệnh nhân cần phải cân nhắc, từ đó gây thêm căng thẳng.
Các yếu tố gây căng thẳng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu bao gồm việc phải kiểm soát đường huyết chặt chẽ, sử dụng insulin và chuẩn bị các bữa ăn phù hợp.
Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường type 1 còn phải giải quyết và cân bằng nhiều vấn đề trong cuộc sống cũng như tìm cách thay đổi để thích ứng. Bệnh nhân đái tháo đường có thể cần điều chỉnh việc học tập, lao động, sở thích, các mối quan hệ, việc nhà cũng như các công việc khác. Để giữ đường huyết ở mức an toàn (70-180 mg/dl hoặc 4-10 mmol/L), bạn cần cân bằng nhiều yếu tố. Thực phẩm tiêu thụ, kế hoạch tập thể dục và các yếu tố không thể đo lường khác như căng thẳng, nồng độ hormone có khả năng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Việc dự đoán sự thay đổi mức đường huyết của người bệnh đái tháo đường type 1 có thể phức tạp do các yếu tố không thể đo lường. Vì vậy, người bệnh cần điều chỉnh và cân bằng các hoạt động hàng ngày để duy trì sức khỏe.
Bạn có biết, những tình huống căng thẳng có khả năng làm tăng lượng đường trong máu và khiến chúng ta cảm thấy kiệt sức?
Khi gặp căng thẳng, cơ thể chúng ta phản ứng lại bằng cách giải phóng hormone adreanaline và cortisol, được gọi là phản ứng "chiến đấu hay bỏ chạy". Đây là lý do vì sao bệnh đái tháo đường và căng thẳng không phải là "sự kết hợp" tốt.
Bởi mức đường huyết có thể tăng tạm thời do những hormone này (cung cấp cho chúng ta năng lượng để chiến đấu).
Thay đổi thói quen ăn uống. Khi ai đó bị căng thẳng, thói quen ăn uống của họ có khả năng thay đổi. Họ có thể ăn nhiều hoặc ít hơn bình thường, đôi khi quá nhiều hoặc quá ít. Một số người đối diện với tác động của căng thẳng bằng cách ăn nhiều thực phẩm chứa carbohydrate, từ đó làm mức đường huyết tăng nhanh. Điều này không tốt cho việc kiểm soát bệnh đái tháo đường type 1.
Thay đổi trong chế độ chăm sóc. Những tình huống căng thẳng có thể khiến người mắc đái tháo đường type 1 quên mất việc dùng thuốc hoặc theo dõi lượng đường trong máu. Những yếu tố này sẽ góp phần làm mức đường huyết thay đổi thất thường.
Thay đổi giấc ngủ. Khi phải làm việc quá nhiều, thói quen bình thường mỗi ngày của bạn có thể bị đảo lộn. Việc thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến độ nhạy cảm insulin cũng như mức đường huyết.
Thay đổi mức độ hoạt động thể chất. Bạn có thể không còn nhiều thời gian để tập thể dục như trước. Khi ít hoạt động thể chất, người bệnh đái tháo đường có thể trở nên kém nhạy cảm với insulin. Điều này nghĩa là cơ thể bạn sẽ cần nhiều insulin hơn để đạt được mức đường huyết khuyến nghị, từ đó dẫn đến tình trạng kháng insulin hoặc khiến quá trình kiểm soát đường huyết khó khăn hơn.
Việc sống cùng bệnh đái tháo đường type 1 có thể gây căng thẳng, từ đó dễ khiến người bệnh lo lắng, trầm cảm và kiệt sức. Dưới đây là một số cách hữu ích giúp bạn "giải quyết" tình trạng mệt mỏi, kiệt sức do đái tháo đường.
Thay đổi từ từ. Việc đặt mục tiêu thay đổi thói quen hàng ngày theo hướng lành mạnh hơn là điều tốt. Hãy cố gắng giữ vững mục tiêu này và bắt đầu từ từ. Nếu muốn hoạt động thể chất nhiều hơn, bạn không nhất thiết phải tập luyện như một vận động viên ngay từ những ngày đầu. Nếu đặt mục tiêu muốn đi bộ đều đặn 30 phút mỗi ngày, bạn hãy bắt đầu từ 10 phút và tăng dần thời gian lên. Chậm mà chắc vẫn tốt hơn đấy!
Làm từng việc một. Việc làm nhiều việc cùng một lúc có thể khiến bạn cảm thấy quá sức. Để giảm bớt mức độ căng thẳng, bạn hãy lập danh sách những việc cần làm và thực hiện từng việc một. Bạn có thể tự thưởng cho mình về những thành tích đã đạt được.
Trò chuyện với những bệnh nhân đái tháo đường type 1 khác. Bạn không đơn độc trong hành trình sống chung với bệnh đái tháo đường và căng thẳng. Bạn có thể tìm thấy người thật sự hiểu những gì bạn đang phải trải qua bằng cách tham gia các hội nhóm về bệnh đái tháo đường như dedoc (www.dedoc.org). Bác sĩ hoặc đội ngũ chuyên gia chăm sóc của bạn có thể gợi ý một số câu lạc bộ hoặc các nhóm hỗ trợ cho bệnh nhân đái tháo đường. Việc chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình với những bệnh nhân đái tháo đường khác có thể giúp bạn có thêm gợi ý để giải quyết các vấn đề của bản thân.
Quá trình kiểm soát bệnh đái tháo đường là chăm sóc sức khỏe toàn diện, không chỉ thể chất mà còn cả trạng thái tinh thần và cảm xúc của bệnh nhân nữa.
Nếu không được quan tâm đúng mực, sức khỏe tinh thần của bệnh nhân đái tháo đường có khả năng trở nên tồi tệ hơn cùng với bệnh. Tin tốt là tình trạng của người bệnh có thể được cải thiện.
Việc đối mặt với những căng thẳng trong cuộc sống đồng nghĩa với việc bạn phải giải quyết những vấn đề lớn hơn nhiều so với trước đây. Tốt nhất bạn nên chấp nhận rằng mình đang mắc đái tháo đường và học cách sống khỏe cùng bệnh.
Bạn có biết rằng, nhiều vận động viên, nhà lãnh đạo hoặc các nhà vô định mắc bệnh đái tháo đường type 1 nhưng vẫn thành công? Những người bệnh thành công trong cuộc sống thường xem bệnh tình của mình như một nhân tố vô hình khiến họ trở nên mạnh mẽ, bền bỉ và quyết tâm hơn để vượt qua những thời điểm khó khăn cũng như thất bại. Việc chấp nhận và hiểu rõ về tình trạng bệnh là một trong những điều quan trọng bạn cần làm. Điều đó không hề đơn giản như bạn nghĩ. Đôi khi, bạn sẽ khó bỏ ngay được các thói quen gây căng thẳng nhưng không gì là không thể. Hiểu rõ về bệnh đái tháo đường type 1 sẽ giúp người bệnh đối phó tốt hơn với những "thăng trầm" trong hành trình sống cùng bệnh.
Người bệnh có thể chuẩn bị tốt hơn và sẵn sàng đối mặt với các tình huống khó khăn nếu biết được khi nào chúng xuất hiện. Bạn vẫn có cơ hội để học hỏi và thành công trong việc kiểm soát đái tháo đường. Hãy nhớ rằng, với các công cụ và sự hỗ trợ phù hợp, bạn có thể quản lý đái tháo đường một cách hiệu quả.