
Thông tin T1D
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Về chúng tôi
Sống khỏe với bệnh tiểu đường type 1 nhờ thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện
Biên tập: 19.03.2025
Liệu bệnh nhân tiểu đường có thể sống khỏe cùng bệnh không? Bao nhiêu người có được cuộc sống như vậy?
Có lẽ bạn đã suy nghĩ về điều ấy rất nhiều.
Khi đọc đến câu hỏi này, tôi đã phải dừng lại vài phút để suy ngẫm.
Tính đến năm 2023, tôi đã sống cùng với bệnh tiểu đường type 1 được 22 năm. Tôi thật sự nhớ cuộc sống của mình trước khi được chẩn đoán mắc bệnh. Việc sống chung với bệnh tiểu đường type 1 giống như "cưỡi trên một con sóng". Đôi khi tôi cảm thấy hào hứng nhưng đôi khi cũng lại rất mệt mỏi.
Nhiều người nói rằng: "Làm sao có thể vui khỏe và tận hưởng cuộc sống khi mắc tiểu đường type 1 được chứ?".
Chúng ta sẽ biết thôi. Bạn chỉ cần thả lỏng và tiếp tục theo dõi bài viết này.
Tiểu đường type 1 là một căn bệnh xa lạ đối với tôi bởi lẽ tôi rất hiếm khi phải đến bệnh viện. Tôi không ngờ, đây lại là nơi tôi phải thường xuyên lui tới sau này.
Hôm đó, khi ngồi trong phòng khám của bác sĩ, tôi cảm thấy mình rất yếu và mệt mỏi, cứ vài phút lại nhắm mắt lại, tâm trí trở nên trống rỗng.
Tôi cảm thấy mình như mất trí. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Bác sĩ nhanh chóng đâm một cây kim vào tay tôi và kết quả cho thấy mức đường huyết của tôi rất cao.
Điều tiếp theo tôi biết là mình được tiêm một thứ gì đó. Bác sĩ bảo đó là insulin. Tôi đã ngô nghê hỏi: "Thứ này được dùng để làm gì vậy ạ?". Bác sĩ đáp rằng: "Cháu đã mắc bệnh tiểu đường type 1. Sau này, cháu sẽ phải tiêm insulin".
Tôi đã nghĩ bác sĩ đang nói đùa nhưng có vẻ không phải vậy. Do đó, tôi im lặng. Việc ngồi nghe bác sĩ nói về bệnh tiểu đường type 1 thật khó khăn và căng thẳng. Tôi muốn về nhà.
Tôi mong được về nhà vì không thể tiếp thu hết những thông tin về bệnh mà bác sĩ chia sẻ. Bác sĩ đưa cho tôi một túi chứa nhiều kim tiêm, que thử và đơn thuốc. Tôi nghĩ đây chỉ là một dự án khác ở trường nhưng lần này, tôi chính là đề bài.
Khi mắc tiểu đường type 1, tôi không thể thoát khỏi việc phải tiêm insulin mỗi ngày.
Tôi thường hay hỏi ông trời rằng: "Khi nào con có thể ngừng tiêm insulin? Con biết việc tiêm insulin sẽ trở nên quen thuộc và dễ dàng hơn theo thời gian nhưng liệu con có thể khỏi hoàn toàn vào một ngày nào đó không?".
Tuy nhiên, ông trời không thể ban cho tôi bất kỳ điều ước nào. Tôi rất buồn khi biết rằng mình sẽ phải sống chung với bệnh tiểu đường suốt đời vì điều này làm tôi cảm thấy bản thân thật khác biệt so với bạn bè. Tôi cảm thấy đơn độc và lạc lõng vì là người duy nhất trong lớp mắc tiểu đường type 1.
Đôi khi, tôi phải lựa chọn giữa việc tiêm insulin ngay trong lớp hoặc trong nhà vệ sinh. Vì không thích việc phải di chuyển lên xuống cầu thang và nhiều dãy hành lang của trường chỉ để đến nhà vệ sinh, tôi cứ tiêm insulin ở bất kỳ nơi nào thuận tiện.
Tôi đã quen với việc tiêm insulin ở nơi công cộng và thường xuyên nghe được những lời nói như "Buồn nhỉ, đáng thương quá!" đến từ những người xung quanh. Thành thật mà nói, tôi cảm thấy khó chịu khi nghe thấy những lời này.
Tôi không vui vì những gì người khác nói. Tôi chật vật chấp nhận việc phải sống cùng với bệnh tiểu đường suốt đời và cảm thấy thật nuối tiếc. Tôi không thể tưởng tượng được việc phải chung sống với căn bệnh này lâu dài. Dù kim tiêm insulin có dài hay ngắn thì cũng không phải là vấn đề quá lớn. Thế nhưng, vì thường được nghe nói rằng việc mắc tiểu đường là một gánh nặng nên tôi cũng cho rằng quá trình sống chung với tiểu đường sẽ khó khăn và gian khổ lắm.
Tôi không thể tin được tủ thức ăn trong bếp đã biến đổi nhanh thế nào ngay trong tuần đầu tiên bản thân được chẩn đoán mắc tiểu đường type 1.
Lúc đó, tôi đã hỏi bố mẹ rằng đồ ăn vặt của mình ở đâu, những món mới này là gì và vì sao gia đình tôi không thể ăn ngoài thay vì suốt ngày ăn ở nhà.
Và điều tiếp theo đã xảy ra. Tôi có một cuộc hẹn với chuyên gia dinh dưỡng. Đầu óc tôi trống rỗng khi nhìn thấy những con số và những dụng cụ đo lường. ÔI KHÔNG? ĐÂY CÓ PHẢI LÀ CUỘC SỐNG MỚI CỦA TÔI CHĂNG?
Tôi không thể theo kịp. Tôi nhìn vào một danh sách dài những việc phải làm. Tôi nên làm gì trước nhỉ? Tôi nên tính toán thật kỹ những loại thực phẩm cần ăn và sau đó tự tiêm insulin hay nên đo đường huyết trước, sau đó mới làm những thứ còn lại nhỉ?
Tôi thật sự không biết mình phải tiêm bao nhiêu insulin để cân bằng mức đường huyết sau khi lén ăn đồ ăn vặt. Bởi việc ăn vặt chắc chắn sẽ làm đường huyết của tôi tăng lên. Cũng từ đây, tâm trạng của tôi cũng đột nhiên thay đổi.
Điều này làm tôi biết rằng, mình cần học cách tính toán lượng carbohydrate để có thể kiểm soát sự tăng giảm mức đường huyết tốt hơn. Tôi cần biết một số thông tin để giữ cho lượng đường trong máu không tăng quá cao hoặc giảm quá thấp.
Tôi thật sự thích thể thao. Tuy nhiên, khi chơi thể thao, tôi lại gặp rắc rối vì mức đường huyết giảm nhanh chóng, còn được gọi là tình trạng hạ đường huyết.
Điều tôi không thích khi tập thể dục là phải ăn ngay cả khi không đói, chỉ để sống khỏe với bệnh tiểu đường. Khi bị hạ đường huyết, tôi cảm thấy hồi hộp như có một "trận động đất" trong cơ thể. Tôi không thích điều này, cảm giác như thể cả thế giới sụp đổ.
Khi mức đường huyết giảm xuống quá thấp, tôi cũng khó kiểm soát được cân nặng vì phải ăn nhiều hơn.
Sau nhiều lần thử, tôi nhận ra rằng việc đo đường huyết trước khi tham gia vào bất kỳ hoạt động nào là cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng tăng hoặc hạ đường huyết.
Thông thường, việc tập thể dục khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi thấy mọi tế bào trong cơ thể như đang chuyển động, đầu óc và cơ thể cũng trở nên thoải mái hơn.
Khi luyện tập, tôi cũng thường sử dụng ít insulin hơn những ngày không luyện tập.
Tôi đã mất nhiều thời gian để thử những phương pháp mới trong hành trình sống cùng bệnh tiểu đường type 1. Mỗi ngày đều khác biệt. Nếu hôm nay không khỏe thì có lẽ ngày mai sẽ tốt hơn.
Tôi nhận ra rằng, việc tính toán lượng carbohydrate tiêu thụ mỗi ngày đã giúp tôi đối phó tốt hơn với những thay đổi đường huyết. Bởi lúc này, tôi có thể xác định được lượng insulin cần sử dụng là bao nhiêu.
Khi tập luyện thường xuyên, tôi cảm thấy khỏe hơn. Vì sức khỏe của mỗi người bệnh tiểu đường type 1 là khác nhau nên cách tốt nhất giúp bạn kiểm soát tình trạng bệnh của mình chính là điều chỉnh quá trình chăm sóc dựa theo nhu cầu cá nhân.
Tôi cũng không còn ngại việc phải tiêm insulin ở nơi công cộng nữa. Dù mọi người có nói gì, tôi vẫn đánh giá cao kế hoạch quản lý bệnh tiểu đường type 1 của mình.
Tiểu đường type 1 là một phần đặc biệt trong cuộc sống của tôi vì bệnh giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Sống với bệnh, tôi thấy mình giống những con sóng ngoài đại dương xanh thẫm. Có những lúc chúng sẽ bị vùi dập nhưng cũng có thời điểm trỗi dậy mạnh mẽ hơn.
Và tất nhiên, bạn vẫn có thể sống khỏe với bệnh tiểu đường. BẠN HOÀN TOÀN CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC!