
Thông tin T1D
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Về chúng tôi
Insulin là gì? Các loại insulin thường được sử dụng
Biên tập: 17.03.2025
Insulin là một loại hormone có tác dụng làm giảm nồng độ glucose (một loại đường) trong máu. Ở những người mắc đái tháo đường type 1, tuyến tụy sản xuất rất ít hoặc hoàn toàn không sản xuất insulin. Vì vậy, bất kỳ bệnh nhân đái tháo đường type 1 nào cũng cần bổ sung insulin. Insulin được sử dụng theo đường tiêm dưới da.
Mục tiêu chung của việc điều trị bằng insulin là bổ sung lượng insulin phù hợp với lượng insulin mà cơ thể người bệnh cần trong suốt cả ngày và đêm. Điều này đồng nghĩa với việc nồng độ đường trong máu của bệnh nhân có thể được duy trì ở mức càng gần mức bình thường càng tốt, từ đó giúp người bệnh ngăn ngừa được các biến chứng ngắn hạn và lâu dài do đái tháo đường gây ra. Khi mới bắt đầu sử dụng, bác sĩ có thể mất một khoảng thời gian để xác định liều lượng insulin phù hợp cho từng bệnh nhân. Bạn thường được yêu cầu thực hiện kiểm tra mức đường huyết nhiều lần trong ngày. Bác sĩ sẽ dùng kết quả đo đường huyết này để giúp bạn điều chỉnh liều insulin sử dụng theo thời gian.
Loại insulin và liều insulin mà mỗi người bệnh cần sử dụng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào kế hoạch điều trị. Một số người mắc đái tháo đường cần tiêm insulin 2 lần/ngày. Trong khi đó, một số bệnh nhân khác có thể cần tiêm nhiều mũi hơn để kiểm soát lượng đường trong máu. Bác sĩ sẽ là người quyết định xem nên dùng insulin như thế nào để phù hợp nhất với bạn.
Insulin tác dụng ngắn
Insulin tác dụng ngắn giúp kiểm soát tình trạng lượng đường trong máu tăng nhanh sau khi ăn. Chúng có tác dụng nhanh nhưng chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Thời điểm chính xác cần tiêm insulin tác dụng ngắn phụ thuộc vào giờ ăn của bạn. Loại insulin này thường được sử dụng trong vòng 30 phút hoặc ngay trước khi ăn, phụ thuộc vào loại insulin bạn dùng là gì.
Insulin tác dụng kéo dài
Loại insulin này có tác dụng chậm và kéo dài gần như cả ngày. Chúng giúp điều chỉnh lượng đường trong máu giữa các bữa ăn nhằm giữ cho mức đường huyết của bệnh nhân luôn ổn định suốt cả ngày lẫn đêm. Việc tiêm insulin tác dụng kéo dài thường được thực hiện trước khi đi ngủ. Thời điểm tiêm cụ thể sẽ phụ thuộc vào loại insulin bạn sử dụng. Hãy trao đổi thêm với bác sĩ điều trị để biết rõ thời điểm cần tiêm insulin.
Insulin tác dụng trung bình
Đúng như tên gọi, thời gian tác dụng của loại insulin này sẽ nằm giữa insulin tác dụng ngắn và insulin tác dụng kéo dài. Insulin tác dụng trung bình mất khoảng 1 – 3 giờ để bắt đầu có hiệu quả. Thời gian tác dụng tối ưu của loại insulin này là 8 tiếng nhưng chúng cũng có thể ổn định mức đường huyết trong khoảng 12 – 16 tiếng.
Tác dụng của insulin không thể tự biến mất sau khi đã được tiêm vào cơ thể. Vì vậy, bạn cần đảm bảo sử dụng đúng liều lượng insulin vào đúng thời điểm. Ví dụ, nếu có lịch hẹn với bạn bè và phải ăn trễ hơn bình thường, bạn sẽ cần tạm dừng việc tiêm insulin, ăn một bữa nhẹ vào giờ ăn bình thường và tiêm insulin sau đó.
Ngoài sử dụng insulin, việc tuân thủ đúng kế hoạch ăn uống hàng ngày và hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp bạn giữ lượng đường trong máu luôn ở mức mục tiêu và dễ tính toán được lượng insulin cần dùng. Nếu xảy ra các trường hợp khiến bạn không biết cần điều chỉnh liều lượng insulin thế nào để phù hợp với lượng thức ăn hoặc mức độ vận động thể chất, hãy hỏi bố mẹ hoặc đội ngũ cán bộ y tế chuyên khoa.
Đôi khi, mặc dù người bệnh đã tuân thủ hết mọi nguyên tắc cần thiết, mức đường huyết vẫn khó được kiểm soát. Đối với bệnh nhân đái tháo đường, sẽ có thời điểm lượng insulin bạn sử dụng quá nhiều hoặc quá ít so với nhu cầu của cơ thể, từ đó khiến lượng đường trong máu tăng quá cao hoặc hạ quá thấp.
Một vấn đề thường gặp ở người dùng insulin là lượng đường trong máu giảm xuống thấp, hay còn gọi là hạ đường huyết. Vấn đề này có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng nhiều khả năng gặp phải nếu bệnh nhân ăn ít hoặc tập thể dục nhiều hơn bình thường. Tình trạng hạ đường huyết cũng thường xảy ra trong vài tuần hoặc vài tháng đầu tiên khi người bệnh phát triển bệnh đái tháo đường type 1.
Nếu tình trạng hạ đường huyết thường xuyên xảy ra, người bệnh sẽ cần điều chỉnh liều insulin hoặc chế độ ăn uống. Khi đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị của mình. Bác sĩ sẽ giúp bạn xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp để giữ mức đường huyết càng gần mức bình thường càng tốt.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, insulin được xem là phương pháp điều trị chính. Đây là lý do vì sao người bệnh không chỉ cần hiểu cách sử dụng và thời điểm dùng insulin phù hợp mà còn cần biết phải sử dụng loại insulin nào để giữ cho cơ thể khỏe mạnh cũng như ngăn ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường có thể xảy ra.