
Thông tin T1D
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Về chúng tôi
Làm sao xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh cho người bị đái tháo đường?
Biên tập: 19.02.2025
Người bệnh đái tháo đường không nhất thiết phải tuân thủ một chế độ ăn uống quá nghiêm ngặt nhưng cần quan tâm đến loại thực phẩm cũng như số lượng thức ăn bổ sung. Vì sao lại như vậy? Bởi việc này sẽ giúp người bệnh duy trì đường huyết ở mức khỏe mạnh.
Bạn cần cân bằng lượng carbohydrate nạp vào cơ thể với liều insulin sử dụng và mức độ tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu. Việc này sẽ giúp bạn ngăn ngừa một số biến chứng lâu dài của bệnh đái tháo đường.
Bạn cần hiểu rõ về thành phần của các loại thức ăn mà mình tiêu thụ. Điều quan trọng là bạn phải biết nhóm thực phẩm nào chứa carbohydrate và loại carbohydrate đó tốt hay xấu.
Carbohydrate tốt được tìm thấy trong các loại thực phẩm chưa qua chế biến như rau lá xanh hoặc rau củ (ví dụ như cà rốt hoặc cà tím). Carbohydrate xấu được tìm thấy trong các loại thực phẩm chế biến sẵn như đồ ngọt, món ăn vặt (ví dụ như bánh ngọt, sô-cô-la, kẹo) hoặc đồ uống có đường. Bạn cũng nên thận trọng với các loại thức ăn vặt đường phố và đồ uống có chứa sữa đặc hoặc thêm quá nhiều đường.
Nếu có thể, hãy đọc kỹ nhãn thực phẩm để biết thành phần, hàm lượng dinh dưỡng và lượng calo của loại thực phẩm đó.
Nếu bạn muốn mua thức ăn đã được chế biến sẵn từ bên ngoài, đừng ngần ngại hỏi người bán về thành phần nguyên liệu và xem liệu họ có cho thêm đường vào món ăn hay không.
Chế độ ăn uống của người bệnh đái tháo đường cần cân bằng giữa lượng carbohydrate và các dưỡng chất khác, vừa để kiểm soát bệnh vừa giúp bữa ăn thêm ngon miệng.
Bạn có thể thực hiện phương pháp đĩa thức ăn đơn giản sau đây:
1/2 đĩa: rau lá xanh và rau củ không chứa tinh bột như bắp cải, bông cải xanh, cà rốt, dưa leo hoặc rau muống
1/4 đĩa: carbohydrate (ngũ cốc và rau củ có tinh bột) như ngũ cốc nguyên cám, bánh mì nguyên cám, ngô, khoai tây hoặc khoai môn
1/4 đĩa: protein như thịt nạc, cá hoặc trứng
Các lựa chọn bổ sung: một ly sữa (ít béo) hoặc trái cây tươi
Điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ về từng loại thực phẩm mình bổ sung cũng như tác động của chúng đối với sức khỏe. Thức ăn giống như một người bạn. Bạn nên lựa chọn một "người bạn tốt" để giúp mình phát triển khỏe mạnh.
– Không bỏ bữa và nên ăn đúng giờ mỗi ngày
– Tiêu thụ lượng carbohydrate như được khuyến cáo mỗi ngày
– Uống nhiều nước
– Chọn các nguồn chứa carbohydrate tốt cho sức khỏe như gạo lứt thay vì gạo trắng hoặc nếp
– Ăn nhiều rau và trái cây
– Chọn các món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe (chẳng hạn như trái cây) vào các bữa phụ
– Nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày
Đồng thời, người bệnh đái tháo đường cũng cần tránh hoặc hạn chế:
– Đồ uống có chứa nhiều đường, đồ ăn vặt hoặc các món tráng miệng – Bạn vẫn có thể thưởng thức những món ăn, đồ uống này vào các dịp đặc biệt như sinh nhật hoặc kỉ niệm nhưng với một lượng vừa đủ.
– Thực phẩm chế biến sẵn (như thịt đóng hộp, xúc xích)
– Giảm lượng muối trong thức ăn hàng ngày
Uống rượu:
Rượu có chứa carbohydrate nên việc uống rượu bia có thể gây ảnh hưởng đến mức đường huyết của bạn. Uống rượu với lượng trung bình có khả năng làm tăng lượng đường trong máu nhưng nếu uống quá nhiều lại có thể gây hạ đường huyết.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể uống rượu bia với một lượng vừa phải vào các dịp đặc biệt và cần đảm bảo ăn đúng thời điểm, đo đường huyết thường xuyên cũng như uống nhiều nước vào ngày hôm sau. Bạn cũng nên thận trọng với nguy cơ hạ đường huyết và cần xử trí ngay nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của tình trạng này.
Một điều quan trọng bạn cần nhớ là không nên hạn chế hoàn toàn carbohydrate. Mặc dù mục tiêu chính của quá trình kiểm soát bệnh đái tháo đường là kiểm soát mức đường huyết nhưng cơ thể bạn vẫn cần carbohydrate để cung cấp năng lượng cho các hoạt động bình thường.
Nếu lo lắng về việc mình có thể tiêu thụ quá nhiều carbohydrate, bạn hãy theo dõi lượng carbohydrate nạp vào cơ thể mỗi ngày. Bằng cách này, bạn có thể biết rằng mình có cần bổ sung thêm carbohydrate hay không.
Lượng thực phẩm chúng ta tiêu thụ mỗi ngày có ảnh hưởng trực tiếp đến mức đường huyết. Điều này đặc biệt đúng đối với những người đã được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 1.
Một số việc đơn giản như lập kế hoặc ăn uống và chú ý chế độ dinh dưỡng hàng ngày có thể giúp bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát bệnh hiệu quả một cách lâu dài. Bằng cách đảm bảo mình chọn đúng loại thực phẩm nên ăn và bổ sung với lượng phù hợp, bạn sẽ kiểm soát được lượng đường trong máu và giảm thiểu tác động của bệnh đái tháo đường đối với cơ thể.