Thông tin T1D

Biểu tượng

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe

Về chúng tôi

Tầm soát, sàng lọc các biến chứng của bệnh đái tháo đường type 1

Biên tập: 17.03.2025

Anne-Charlotte Ficheroulle

Pharmacist, Digital Innovation Manager, A4D

1. Vì sao việc tầm soát biến chứng đái tháo đường type 1 lại quan trọng như vậy?

Việc sàng lọc các yếu tố nguy cơ và biến chứng do đái tháo đường gây ra cần được bắt đầu ngay tại thời điểm vừa chẩn đoán bệnh. Người bệnh cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc tầm soát vì sẽ giúp phát hiện các biến chứng của đái tháo đường ngay từ giai đoạn đầu để có hướng điều trị phù hợp giúp làm chậm tiến triển của chúng.

Hãy cùng tìm hiểu tần suất bạn nên tiến hành tầm soát các biến chứng của bệnh đái tháo đường và những lợi ích của mỗi kiểm tra.

2. Tầm soát mỗi 3 tháng

Những yếu tố mà đội ngũ bác sĩ điều trị đái tháo đường cần kiểm tra thường xuyên:

  • Cân nặng và chiều cao để đảm bảo bệnh nhân vẫn đang duy trì được cân nặng khỏe mạnh

  • Xét nghiệm HbA1c: Chỉ số HbA1c cho biết mức đường huyết trung bình của bệnh nhân trong 3 tháng vừa qua. Bệnh nhân cần duy trì chỉ số HbA1c ở mức dưới 7,5% (58 mmol/L).

Nhiều cơ sở y tế không thực hiện xét nghiệm HbA1c thường xuyên cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường. Trong trường hợp đó, bệnh nhân nên cố gắng xét nghiệm HbA1c ít nhất mỗi năm một lần.

3. Tầm soát hàng năm

Bác sĩ điều trị sẽ lên lịch hẹn để kiểm tra các biến chứng phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường type 1 và có thể yêu cầu người bệnh thực hiện các xét nghiệm, tầm soát thường xuyên hơn nếu phát hiện bất kỳ bất thường nào.

  • Đo huyết áp để tầm soát tình trạng tăng huyết áp gây ảnh hưởng đến mạch máu và tim của bệnh nhân.

  • Khám mắt: Bệnh nhân sẽ được yêu cầu kiểm tra thị lực thường xuyên để phát hiện bệnh võng mạc đái tháo đường, đục thủy tinh thể hoặc glôcôm (nếu có).

  • Kiểm tra bàn chân: Bác sĩ sẽ đặt nhiều câu hỏi cho bệnh nhân cũng như tiến hành khám lâm sàng để phát hiện các bất thường ở chân.

  • Kiểm tra chức năng thận: Bằng xét nghiệm máu và nước tiểu, bác sĩ sẽ phân tích nồng độ albumin và creatinin để đánh giá chức năng thận.

  • Kiểm tra nồng độ lipid máu: Từ xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ xác định được nồng độ mỡ máu để đảm bảo các chỉ số này vẫn ở mức bình thường.

4. Biện pháp ngăn ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường type 1

Bên cạnh việc tầm soát các biến chứng của bệnh đái tháo đường thường xuyên, bệnh nhân cần thực hiện thêm các biện pháp khác để ngăn ngừa các biến chứng này ngay từ sớm.

Dưới đây là một số biện pháp bạn có thể tham khảo:

  • Chú ý đến lượng thực phẩm mình tiêu thụ. Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong quá trình kiểm soát bệnh đái tháo đường. Vì vậy, bệnh nhân cần lựa chọn các loại thực phẩm bổ dưỡng và giảm bớt các loại thực phẩm không lành mạnh. Một yếu tố quan trọng cũng cần được quan tâm chính là lượng thức ăn bệnh nhân tiêu thụ. Ăn quá nhiều có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên, trong khi ăn ít sẽ khiến đường huyết giảm thấp. Vì vậy, việc kiểm soát khẩu phần ăn là rất quan trọng.

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh và xây dựng lối sống năng động. Hoạt động thể chất mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Việc tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp bệnh nhân đái tháo đường duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng như tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các hoạt động thể chất phù hợp với tình trạng của mình.

  • Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên. Đo mức đường huyết thường xuyên là cách giúp bác sĩ đánh giá xem bệnh nhân đái tháo đường có đang kiểm soát tốt tình trạng của mình hay không. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên giúp bệnh nhân biết được thời điểm tốt nhất để kiểm tra lượng đường trong máu. Bệnh nhân nên cố gắng tuân theo những khuyến nghị này. Đồng thời, người bệnh cần ghi lại mức đường huyết mình đo được để chia sẻ với bác sĩ và giúp họ theo dõi quá trình kiểm soát bệnh đái tháo đường tốt hơn.

  • Bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu bia. Hút thuốc lá và uống rượu bia đều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bệnh nhân đái tháo đường. Rượu bia có thể làm tăng lượng đường trong máu của bệnh nhân còn hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi, bệnh tim và các vấn đề về tim mạch khác. Nếu uống rượu và/hoặc hút thuốc, bệnh nhân tốt nhân nên bỏ các thói quen này càng sớm càng tốt.

  • Tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Cho đến nay, cách tốt nhất để kiểm soát bệnh đái tháo đường và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh là tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Bạn cần đảm bảo thực hiện theo đúng các hướng dẫn này, chẳng hạn như dùng đúng loại thuốc, tiêm đúng liều lượng insulin… Bác sĩ sẽ là người đồng hành cùng bệnh nhân trong suốt chặng đường điều trị và giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống.

5. Điều cần ghi nhớ

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường type 1, đặc biệt nếu không được kiểm soát, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Đây là lý do vì sao bệnh nhân đái tháo đường phải tiến hành tầm soát, sàng lọc thường xuyên để biết bản thân có nguy cơ phát triển các biến chứng này hay không. Bên cạnh đó, người bệnh đái tháo đường cũng cần kiểm soát tốt tình trạng của mình và áp dụng các biện pháp để ngăn ngừa biến chứng của bệnh ngay từ đầu.

Cùng kiểm tra kiến thức về tầm soát các biến chứng!

Biểu tượng Tuyên bố từ chối trách nhiệm: