
Thông tin T1D
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Về chúng tôi
Bố mẹ lo lắng vì con mắc đái tháo đường type 1
Biên tập: 17.03.2025
Bất kỳ bố mẹ nào cũng quan tâm đến sức khỏe của con cái.
Hầu hết các bậc phụ huynh đều sẽ tìm hiểu về những dấu hiệu cho thấy con mình đang gặp phải một vấn đề sức khỏe nào đó.
Đái tháo đường type 1 là bệnh lý mạn tính, sẽ kéo dài suốt cuộc đời của trẻ em và thanh thiếu niên nên khiến nhiều bố mẹ càng lo lắng.
Nếu con được chẩn đoán mắc đái tháo đường khi còn nhỏ, bố mẹ có thể cảm thấy ""quá tải"".
Chúng tôi sẽ cùng bố mẹ tìm hiểu thêm về bệnh lý này và cách kiểm soát nó.
Con bạn có thể tận hưởng cuộc sống và thành công như bình thường ngay cả khi sống chung với đái tháo đường type 1.
Đái tháo đường type 1, còn được gọi là bệnh đái tháo đường ở trẻ em và thanh thiếu niên hay bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin. Bệnh thường được chẩn đoán ở trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, triệu chứng của đái tháo đường type 1 ít xuất hiện cho đến khi trẻ được hơn 5 tuổi.
Mọi người thường có suy nghĩ rằng ăn quá nhiều đường mới gây đái tháo đường type 1. Thế nhưng, chế độ ăn uống thực chất không phải là nguyên nhân gây bệnh.
Đái tháo đường type 1 là bệnh lý mạn tính xảy ra khi hệ miễn dịch phá hủy các tế bào beta của tuyến tụy và khiến cơ thể không tạo ra đủ lượng insulin cần thiết.
Việc thiếu hụt insulin khiến lượng đường trong máu tăng lên. Khi mức đường huyết tăng cao kéo dài sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Mức đường huyết tăng cao (tăng đường huyết) khiến bệnh nhân dễ bị bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh thận, bệnh về mắt hoặc tổn thương thần kinh.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bú và uống nước nhiều. Tuy nhiên, nếu con bạn đột nhiên sụt nhiều cân hoặc có vẻ mệt mỏi, khát nước nhiều hơn bình thường thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường type 1.
Trẻ em mắc đái tháo đường type 1 thường không biết thế nào là bất thường vì chúng khó giải thích cảm giác của chính mình.
Dưới đây là những dấu hiệu ban đầu có thể giúp bố mẹ nhận biết liệu con mình có mắc đái tháo đường type 1 hay không:
1. THƯỜNG ĐI VỆ SINH: Điều này có nghĩa là trẻ đi tiểu nhiều hơn bình thường. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể tè ướt tã hoặc ướt giường thường xuyên hơn.
2. KHÁT NHIỀU: Trẻ khát nước kéo dài và phải thức dậy nhiều lần vào ban đêm để uống nước có thể là dấu hiệu cảnh báo đái tháo đường.
3. MỆT MỎI NHIỀU: Khi cơ thể không có insulin để chuyển hóa glucose nhận được từ thức ăn thành năng lượng thì lượng đường trong máu có thể tăng cao. Lúc này, các tế bào không thể sử dụng glucose để tạo ra năng lượng nên khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và suy nhược.
3. SỤT CÂN KHÔNG RÕ NGUYÊN NHÂN: Khi không có đủ insulin và không thể sử dụng glucose đúng cách, cơ thể sẽ tạo ra năng lượng thông qua việc chuyển hóa chất béo và cơ bắp một cách nhanh chóng, dẫn đến nhiễm toan ceton và sụt cân không rõ nguyên nhân.
Nếu bệnh nhân mắc đái tháo đường type 1 giảm hơn 5% cân nặng trong vòng chưa đến 6 tháng mà không có lý do rõ ràng, hãy trao đổi với bác sĩ để kiểm tra về vấn đề này.
A. ĐÓI NHIỀU: Dù trẻ em mắc đái tháo đường đã ăn rất nhiều nhưng chúng vẫn có thể cảm thấy đói vì cơ thể không tạo được năng lượng từ thức ăn.
B. NHÌN MỜ: Mức đường huyết tăng cao có thể gây tổn thương mắt và khiến tầm nhìn của trẻ em mắc đái tháo đường type 1 bị mờ đi.
C. HƠI THỞ CÓ MÙI TRÁI CÂY: Nếu hơi thở của con bạn có mùi trái cây, đó có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm toan ceton do đái tháo đường, một biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường type 1.
D. NHIỄM NẤM MEN: Những bé gái mắc đái tháo đường type 1 có thể bị nhiễm nấm men thường xuyên hơn.
Hãy nhớ rằng, con bạn có khả năng kiểm soát được tình trạng đái tháo đường type 1 nếu biết cách kết hợp giữa kiến thức, sự kiên trì và thái độ tích cực.
Với kế hoạch điều trị phù hợp, sự hỗ trợ đầy đủ và việc điều chỉnh lối sống, trẻ em mắc đái tháo đường type 1 vẫn có thể có cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.
Để giữ cho con khỏe mạnh và hạn chế các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, bạn cần hiểu rõ về bệnh đái tháo đường ở trẻ em và thanh thiếu niên cũng như cách kiểm soát bệnh hiệu quả.
Nếu con bạn có một hoặc nhiều dấu hiệu kể trên, đừng lo lắng. Thay vào đó, hãy thực hiện các bước tiếp theo:
A. THAM KHẢO Ý KIẾN BÁC SĨ: Hãy đến gặp bác sĩ nhi hoặc bác sĩ gia đình của bạn. Họ có thể giúp bạn kiểm tra đường huyết và chỉ số hemoglobin A1c. Những xét nghiệm này sẽ giúp chẩn đoán đái tháo đường type 1 và từ đó xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp.
B. THEO DÕI HÀM LƯỢNG GLUCOSE TRONG MÁU: Một bác sĩ chuyên khoa nội tiết nhi có thể được giới thiệu nếu lượng đường trong máu của con bạn tăng cao. Việc kiểm tra mức đường huyết thường xuyên rất hữu ích đối với quá trình điều trị đái tháo đường type 1.
C. NÂNG CAO KIẾN THỨC CỦA BẢN THÂN: Khi hiểu rõ về bệnh đái tháo đường type 1 (tác động của insulin, tầm quan trọng của việc tập thể dục và xây dựng chế độ ăn uống cân bằng), bạn có thể kiểm soát mức đường huyết của con mình tốt hơn.
D. TÌM KIẾM NHÓM HỖ TRỢ: Hãy làm quen và kết bạn với những gia đình khác cũng đang gặp hoàn cảnh tương tự gia đình bạn thông qua các trang web trực tuyến, các nhóm hỗ trợ xã hội. Việc này sẽ giúp bạn cảm thấy bớt lẻ loi và có thể nhận được nhiều lời khuyên hữu ích.
Việc con cái được chẩn đoán đái tháo đường khi còn nhỏ hoặc ở tuổi vị thành niên có thể gây khó khăn cho cả trẻ và bố mẹ. Buồn bã, phẫn nộ và sợ hãi là những cảm xúc thường gặp mà gia đình người bệnh phải trải qua.
Việc bố mẹ lo lắng về sức khỏe của con là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn nhận biết được các dấu hiệu của bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em và có hành động kịp thời thì có thể tạo ra khác biệt rất lớn.
Điều quan trọng là bạn cần trao đổi với bác sĩ để con được chẩn đoán và xây dựng kế hoạch điều trị rõ ràng nhất. Bên cạnh đó, việc cả gia đình tham gia vào quá trình kiểm soát bệnh đái tháo đường và đáp ứng các nhu cầu về cảm xúc, tinh thần, thể chất của trẻ cũng sẽ tạo ra những khác biệt tích cực cho cả gia đình.
Hãy thường xuyên liên hệ với đội ngũ chăm sóc y tế của con và tìm hiểu về bệnh đái tháo đường càng nhiều càng tốt.
Hãy nhớ rằng bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên chỉ là một phần trong hành trình phát triển của con và với sự giúp đỡ từ bạn, trẻ vẫn có thể sống khỏe mạnh và hạnh phúc.
Website, facebook và video trên youtube của HelloType1 đều là những nguồn có thể giúp bạn hiểu hơn về bệnh đái tháo đường type 1. Việc tiếp cận với các nguồn này sẽ giúp nâng cao kiến thức và nhận thức của gia đình bạn. Đừng chần chừ mà hãy tham khảo ngay nhé.