Thông tin T1D

Biểu tượng

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe

Về chúng tôi

Tiểu đường type 1 và biến chứng ở mắt

Biên tập: 17.03.2025

Anne-Charlotte Ficheroulle

Pharmacist, Digital Innovation Manager, A4D

1. Bệnh tiểu đường type 1 gây ảnh hưởng đến mắt như thế nào?

Người bệnh tiểu đường type 1 có nhiều nguy cơ phát triển một bệnh lý về mắt, gọi là bệnh võng mạc đái tháo đường, gây ảnh hưởng đến thị lực.

Tình trạng lượng đường trong máu tăng cao kéo dài có thể làm tổn thương nghiêm trọng các mạch máu trong cơ thể. Khi mạch máu ở mắt bị ảnh hưởng, quá trình cung cấp máu cho võng mạc (là bộ phận của mắt giúp chúng ta nhìn thấy hình ảnh) cũng sẽ bị gián đoạn.
Các mạch máu trong mắt bị tổn thương đồng nghĩa với việc võng mạc sẽ không nhận đủ lượng máu cần thiết, từ đó không thể hoạt động như bình thường. Điều này có nghĩa là bạn có nguy cơ bị giảm thị lực hoặc thậm chí mù lòa.

Nếu các dấu hiệu của bệnh võng mạc tiểu đường được phát hiện sớm, bác sĩ có thể can thiệp ngay để ngăn ngừa tình trạng mất thị lực. Điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần giữ đường huyết ở mức mục tiêu để tránh các biến chứng lâu dài của bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường type 1 cũng cần kiểm tra mắt định kỳ hàng năm để giúp bác sĩ phát hiện sớm các vấn đề bất thường ở mắt trước khi chúng gây ảnh hưởng đến thị lực.

2. Những vấn đề về mắt mà bệnh nhân tiểu đường có thể gặp phải?

– Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể của mắt dày lên và vẩn đục khiến tầm nhìn bị hạn chế và khó nhìn thấy vào ban đêm.

– Glôcôm là tình trạng áp lực bên trong mắt tăng lên, từ đó có thể làm giảm lưu lượng máu đến võng mạc, dây thần kinh thị giác và gây tổn thương các cơ quan này. Theo thời gian, nếu không được điều trị, bệnh glôcôm có khả năng dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.

– Bệnh võng mạc tiểu đường liên quan đến những thay đổi ở võng mạc do tổn thương hoặc tăng sinh các mạch máu nhỏ tại đây.

3. Bệnh võng mạc đái tháo đường là gì?

Bệnh võng mạc tiểu đường là nguyên nhân thường gặp nhất gây mất thị lực ở người bệnh tiểu đường. Đây là lý do vì sao bệnh nhân cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình để hạn chế biến chứng tiểu đường ở mắt này.

Bệnh võng mạc đái tháo đường sẽ tiến triển từ từ và làm tổn thương mắt của người bệnh theo thời gian. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.

Quá trình điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường giai đoạn đầu sẽ bao gồm việc tiêm thuốc vào mắt để ngăn ngừa tình trạng viêm, nguyên nhân gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn ở mắt. Đối với các trường hợp gặp phải biến chứng nặng của bệnh võng mạc tiểu đường như bong võng mạc, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật mắt.

Mặc dù được can thiệp nhưng các tổn thương do bệnh võng mạc đái tháo đường gây ra sẽ không thể được khôi phục hoàn toàn. Các bác sĩ có thể lấy lại phần nào thị lực cho bệnh nhân nhưng không thể trở về được như trước đây.

4. Phát hiện sớm các biến chứng về mắt của bệnh tiểu đường

Cách tốt nhất giúp người bệnh tiểu đường phát hiện các vấn đề về mắt chính là đến gặp bác sĩ nhãn khoa để kiểm tra mắt. Mắt của người bệnh có thể bị tổn thương ngay cả khi thị lực vẫn ổn và không liên quan đến việc đeo kính.

Điều quan trọng là bệnh nhân cần phát hiện sớm các biến chứng của bệnh tiểu đường ở mắt và can thiệp kịp thời để ngăn ngừa tình trạng mất thị lực hoàn toàn. Để làm được điều đó, người bệnh nên đi khám mắt định kỳ hàng năm. Quá trình này khác với việc khám mắt thông thường để làm kính mắt hoặc kính áp tròng.

Quá trình khám mắt cho người bệnh tiểu đường diễn ra như thế nào? Bác sĩ nhãn khoa sẽ chụp ảnh đáy mắt của bệnh nhân để phát hiện bất kỳ thay đổi nào ở võng mạc hoặc các dấu hiệu của bệnh võng mạc tiểu đường.

Nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân có thể thực hiện các phương pháp điều trị để ngăn ngừa tình trạng mất thị lực. Bác sĩ sẽ thảo luận vấn đề này với bệnh nhân tiểu đường nếu người bệnh cung cấp cho họ kết quả khám mắt định kỳ.

5. Biện pháp giúp giảm nguy cơ phát triển các biến chứng tiểu đường ở mắt

– Luôn kiểm tra mức đường huyết

– Khám mắt định kỳ hàng năm

– Phát hiện sớm những thay đổi về thị lực, bao gồm nhìn mờ (đặc biệt vào ban đêm), xuất hiện các đốm đen trong thị trường, nhạy cảm với ánh sáng…

– Tuân thủ theo hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng và tránh các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate xấu như đồ uống có đường, đồ tráng miệng, đồ ăn vặt…

– Cố gắng tập thể dục 30 phút mỗi ngày

6. Điều cần ghi nhớ

Các biến chứng về mắt luôn là mối bận tâm hàng đầu của người bệnh tiểu đường. Nếu không được kiểm soát, bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng xấu đến thị lực của người bệnh, thậm chí còn dẫn đến mù lòa.

Đây là lý do vì sao bệnh nhân tiểu đường phải kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình bởi đó là cách hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Bệnh nhân tiểu đường cũng có nguy cơ gặp phải các bệnh lý khác như tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các vấn đề về thận. Vì vậy, bệnh nhân phải luôn chú ý đến những điều cần thiết để có thể duy trì sức khỏe ổn định.

 

Hãy trả lời câu hỏi trắc nghiệm về biến chứng mắt!

Biểu tượng Tuyên bố từ chối trách nhiệm: