Thông tin T1D
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Về chúng tôi
Hướng dẫn bạn chi tiết cách sử dụng và tiêm insulin
Biên tập: 22.01.2025
Các lọ insulin chưa mở nắp (mới): Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh hoặc trong hũ đất sét chôn trong cát ướt.
Các lọ insulin đã mở nắp (đang sử dụng): Có thể bảo quản các lọ insulin đang sử dụng ở nhiệt độ phòng (nơi tối và mát mẻ, nhiệt độ dưới 30ºC) trong tối đa 30 ngày.
Không để insulin tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hoặc nhiệt độ cao, không để insulin ngoài trời hoặc trong xe ô tô vào những ngày nắng nóng, đồng thời không để insulin ở gần bếp. Không bảo quản insulin trong ngăn đông của tủ lạnh. Không sử dụng nếu insulin đã hết hạn.
Kiểm tra kỹ lọ insulin và buồng chứa insulin trong bút tiêm mỗi lần sử dụng để đảm bảo insulin vẫn bình thường trước khi rút vào ống tiêm và trước khi tiêm.
Điều cần lưu ý: Bảo quản lọ hoặc bút tiêm insulin dự phòng trong hộp của chúng ở ngăn mát tủ lạnh. Ghi lại ngày đầu tiên sử dụng lọ insulin trên nhãn lọ. Tránh lắc lọ hoặc bút tiêm insulin quá mạnh.
Insulin phải được tiêm vào lớp mỡ ngay dưới da của bạn. Có 4 vị trí tiêm insulin an toàn là:
1. Đùi: Chỉ tiêm ở khu vực phía trên và bên ngoài đùi. Không tiêm ở mặt trong hoặc mặt sau của đùi.
2. Cánh tay: Tiêm vào vùng bên hông hoặc phía sau cánh tay. Tránh tiêm vào cơ và vai.
3. Bụng: Vùng bụng, từ dưới lồng ngực đến trên thắt lưng.
4. Mông: Vùng phía trên, bên ngoài mông.
Bạn hãy nhớ luân phiên thay đổi vị trí tiêm trong mỗi lần, đi theo vòng tròn quanh cơ thể. Tiêm lặp đi lặp lại ở cùng một vị trí có thể khiến da ở khu vực đó bị sưng tấy.
Cách tiêm insulin dạng lọ
1. Rửa sạch và lau khô tay
2. Chuẩn bị sẵn bơm tiêm, bông gòn và cồn hoặc chất khử trùng khác
3. Lăn tròn lọ insulin giữa hai lòng bàn tay
4. Làm sạch lọ insulin bằng cồn
5. Kéo piston để hút không khí vào bơm tiêm
6. Bơm không khí vào lọ rồi rút insulin vào bơm tiêm
7. Đảm bảo rằng không có bọt khí trong bơm tiêm
8. Tiêm insulin vào vị trí xác định trên cơ thể
9. Bỏ bơm tiêm vào hộp đựng thích hợp
10. Cất lọ insulin trở lại nơi bảo quản lạnh
Không sử dụng chung bơm tiêm hoặc kim tiêm với bất kỳ ai.
Cách sử dụng bút tiêm insulin
1. Rửa sạch và lau khô tay
2. Tháo nắp bút
3. Tháo miếng bảo vệ ra khỏi kim và lắp kim vào bút
4. Xoay vòng chọn liều theo chiều kim đồng hồ đến vạch số 2
5. Cầm bút sao cho kim tiêm hướng lên trên, sau đó ấn nút tiêm hết cỡ cho đến khi nhìn thấy một giọt insulin ở đầu kim. Cửa sổ chỉ liều phải trở về mức 0 sau khi hoàn thành bước này.
6. Xoay vòng chọn liều theo chiều kim đồng hồ cho đến khi trên cửa sổ hiện số đơn vị insulin cần tiêm
7. Dùng một tay cầm bút sao cho ngón cái có thể dễ dàng bấm vào nút tiêm
8. Dùng tay còn lại véo nhẹ vùng da xung quanh vị trí tiêm. Đâm kim vào da một góc 45 đến 90 độ. Hãy hỏi bác sĩ hoặc y tá xem góc nào là phù hợp nhất với bạn. Sau khi đã đâm kim vào da, nhấn nút tiêm từ từ hết cỡ đến khi cửa sổ chỉ liều về lại mức 0. Giữ như vậy trong 10 giây.
9. Rút kim ra khỏi cơ thể. Dùng bông gòn có tẩm cồn để lau nhẹ nếu vị trí tiêm bị chảy máu khi rút kim ra. Không chà xát chỗ tiêm.
10. Đậy nắp bảo vệ kim, sau đó vặn kim ra khỏi bút. Không bao giờ để kim trong bút khi không sử dụng.
11. Bỏ kim đã sử dụng vào hộp đựng thích hợp
12. Đậy nắp bút và cất bút insulin vào nơi bảo quản lạnh
Không sử dụng chung bơm tiêm hoặc kim tiêm với bất kỳ ai.
Đối với người mắc đái tháo đường type 1, học được cách tự tiêm insulin là một kỹ năng “đắt giá”. Không phải lúc nào bạn cũng có người hỗ trợ và việc có thể tự tiêm insulin sẽ giúp bạn độc lập và tự tin rằng mình có khả năng kiểm soát tốt tình trạng của bản thân.
Một kỹ năng quan trọng khác bạn cần học bên cạnh cách tiêm chính là làm thế nào để bảo quản insulin đúng cách. Nếu insulin được bảo quản trong môi trường quá lạnh hoặc quá nóng, chúng có thể bị hỏng và không còn hiệu quả nữa. Đó là lý do vì sao việc bảo quản insulin đúng cách rất quan trọng.
Khám phá thêm nhiều bài viết khác