Thông tin T1D

Biểu tượng

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe

Về chúng tôi

Sống chung với tiểu đường: Cách đối diện với những thay đổi cảm xúc

Biên tập: 17.03.2025

Anne-Charlotte Ficheroulle

Pharmacist, Digital Innovation Manager, A4D

1. Thấu hiểu và chấp nhận chẩn đoán tiểu đường type 1.

Tiểu đường type 1 không chỉ gây ảnh hưởng đến thể chất mà còn tác động rất lớn đến tinh thần của người bệnh. Nếu được chẩn đoán bệnh khi còn trẻ tuổi, người bệnh thường cảm thấy lo lắng về những thách thức mà mình có thể gặp phải trong quá trình kiểm soát bệnh cũng như ảnh hưởng của tình trạng này đối với sức khỏe và tương lai của bản thân. Bởi độ tuổi thanh thiếu niên là thời điểm bệnh nhân vẫn đang học cách tự lập và tự lên kế hoạch cho các giai đoạn tiếp theo của cuộc đời như học đại học, đi làm hoặc lập gia đình.

Ở giai đoạn mới chẩn đoán bệnh, việc người trẻ cảm thấy buồn, tức giận hoặc hoảng loạn là điều hết sức bình thường vì những thách thức mà họ sắp phải đối mặt sẽ khó khăn hơn người khác. Tuy nhiên, nếu bạn càng tự lập và càng kiểm soát tốt bệnh thì cơ hội để có được cuộc sống bình thường như bao thiếu niên khác càng cao.

Đôi khi, để đối mặt với tình trạng của bản thân, nhiều người cảm thấy xuống tinh thần và giả vờ như bệnh tình của mình đã thuyên giảm hoặc khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, điều tốt nhất bạn có thể làm là có cái nhìn cởi mở hơn về bệnh và hãy xem đây là một người bạn thay vì kẻ thù. Sự phẫn uất và tức giận sẽ không có lợi cho bất kỳ bệnh nhân nào về mặt lâu dài. Nếu bạn bỏ qua, không nghĩ đến hoặc không thảo luận về tiểu đường thì bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

Vì vậy, đừng là một người bạn xấu. Thay vào đó, hãy là một người bạn tốt và quan tâm đến bệnh tiểu đường. Đồng thời, bạn cũng nên thường xuyên trao đổi, chia sẻ với những người thân xung quanh. Nhờ đó, bạn sẽ hiểu hơn về căn bệnh này cũng như cách kiểm soát bệnh hiệu quả nhất.

Ngoài ra, ngay cả khi muốn khẳng định khả năng tự lập của bản thân thì bạn cũng hãy nhớ rằng, bố mẹ luôn quan tâm và lo lắng cho bạn. Bạn có thể chia sẻ tâm sự với họ. Hai khái niệm “tự lập” và “hỗ trợ” vẫn có khả năng đi song hành với nhau.

2. Đối diện với những thay đổi cảm xúc.

Một vấn đề quan trọng bạn cần đối diện trong hành trình chiến đấu với bệnh tiểu đường type 1 là chấp nhận sự thật và học cách thích nghi với bệnh để kiểm soát cuộc sống của bản thân tốt hơn. Thay vì luôn trong trạng thái chiến đấu, việc cố gắng tìm hiểu về bệnh sẽ giúp sức khỏe tinh thần của bạn được cải thiện đáng kể.

Bạn không đơn độc trong hành trình này. Hãy cố gắng kết nối với những người xung quanh và tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ từ họ. Việc có kiểm soát được tình trạng bệnh hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào bạn.

Nếu muốn kiểm soát bệnh, bạn hoàn toàn có thể làm được. Người duy nhất có khả năng ngăn cản bạn làm điều đó chính là bản thân bạn. Có thể bạn không nhận ra nhưng bạn mạnh mẽ hơn mình nghĩ rất nhiều. Bạn có khả năng làm được nhiều thứ nhưng điều quan trọng là bạn cần phải “mở lòng” và cho phép bản thân thực hiện những điều đó. Cơ thể luôn nghe theo lý trí nhưng điều ngược lại thường không bao giờ xảy ra.

Việc bệnh nhân có nhiều cảm xúc hỗn độn khi đối mặt với tiểu đường là hết sức bình thường. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần làm quen với quá trình kiểm soát bệnh cũng như biến quá trình này trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày. Bạn vẫn có thể có được cuộc sống bình thường như bao người khác bằng cách bắt đầu xây dựng các thói quen mới, xem chúng như những việc phải làm như đánh răng hàng ngày. Việc duy trì các thói quen sống lành mạnh sẽ giúp bạn giảm bớt gánh nặng của tiểu đường type 1 và hạn chế nguy cơ gặp phải các biến chứng của bệnh.

3. Học cách tự lập.

Khi càng lớn lên, bạn có thể bắt đầu suy nghĩ về một cuộc sống tự lập hơn, xa gia đình. Tuy nhiên, để làm được điều này, bạn cần có trách nhiệm hơn và phải biết cách chủ động kiểm soát cuộc sống cũng như tình trạng bệnh tiểu đường type 1 của mình. Hãy cho bản thân thời gian để thích nghi với bệnh và đối mặt với từng thách thức mới một cách từ từ. Bạn không cần phải vội vã bởi rất khó để thay đổi những thói quen sống vốn có.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn xây dựng cuộc sống tự lập chính là biết cách thay đổi thói quen sống để phù hợp với môi trường mới.

4. Chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân.

Việc sống chung với bệnh tiểu đường type 1 không hề dễ dàng nên đôi khi bạn sẽ cảm thấy nản lòng, điều này là hết sức bình thường.

Trầm cảm
Nếu cảm giác chán nản, lo lắng về bệnh tiểu đường không được cải thiện, bệnh nhân có thể đối diện với nguy cơ trầm cảm. Tiểu đường và trầm cảm có mối liên hệ mật thiết hơn bạn nghĩ. Người bệnh tiểu đường có khả năng bị trầm cảm cao gấp 2 lần so với người bình thường.

Trầm cảm đôi khi có thể xảy ra nếu người bệnh tuyệt vọng và không nhận thấy được bất kỳ điểm tích cực nào trong cuộc sống. Bệnh nhân cũng có thể ngày càng cô lập bản thân khỏi những người xung quanh. Bạn không phải là người duy nhất thỉnh thoảng trải qua cảm giác này. Điều quan trọng là bạn cần nhận biết dấu hiệu trầm cảm và chia sẻ ngay với gia đình cũng như bác sĩ điều trị.

Lo lắng về tình trạng bệnh đường
Đôi khi, người sống cùng với bệnh tiểu đường có thể cảm thấy suy sụp, tội lỗi, buồn bã hoặc căng thẳng. Bệnh nhân cũng thường lo lắng về tình trạng hạ đường huyết hoặc các biến chứng khác của bệnh tiểu đường. Nếu thỉnh thoảng mới cảm thấy như vậy thì bạn không phải là người duy nhất. Tuy nhiên, nếu những cảm giác này không biến mất hoặc bắt đầu “xâm chiếm” cuộc sống của bạn thì hãy tìm cách chia sẻ chúng với ai đó.

Căng thẳng về chế độ ăn uống
Bệnh tiểu đường buộc bệnh nhân phải quan tâm nhiều hơn đến các loại thực phẩm mình tiêu thụ cũng như chế độ dinh dưỡng. Việc lúc nào cũng phải chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng. Nhiều bệnh nhân nhận thấy họ ăn nhiều hơn khi lo lắng hoặc ăn ít hơn khi buồn. Việc tiêu thụ một số loại thực phẩm nhất định cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của người đang sống cùng bệnh tiểu đường.

Đôi khi, người bệnh quá tập trung vào việc duy trì cân nặng và vóc dáng. Điều này có thể khiến bạn “ác cảm” với thức ăn, từ đó dẫn đến rối loạn ăn uống. Đây là một trong những vấn đề nghiêm trọng mà người bệnh tiểu đường type 1 có thể gặp phải. Nếu bạn cũng bị rối loạn ăn uống, hãy chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ điều trị.

5. Nhìn về phía trước.

Việc mắc bệnh tiểu đường type 1 khiến bạn phải đối diện với những lúc mức đường huyết lên xuống thất thường. Ngay cả khi đã sống chung với bệnh tiểu đường nhiều năm thì bạn vẫn có thể gặp phải một số khó khăn trong quá trình kiểm soát bệnh. Lượng đường trong máu đôi khi tăng cao hoặc giảm thấp mặc dù bạn đã tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Bạn hãy kiên nhẫn và cố gắng hướng về những điều tốt đẹp có thể xảy ra trong hành trình sống khỏe cũng bệnh tiểu đường của mình. Chẳng hạn như cảm giác tự tin, tự hào về tất cả những gì mình đang học hỏi và thực hiện.

Cố gắng suy nghĩ tích cực cũng là một phần của quá trình điều chỉnh để thích nghi. Khi đã quen dần với bệnh tiểu đường, bệnh nhân có thể cảm thấy được ủng hộ, nhẹ nhõm, tràn đầy hy vọng, tự tin, mạnh mẽ, kiên định và cả hạnh phúc.

Theo thời gian, bạn có thể trở thành chuyên gia trong việc tự nhận biết và đối diện với những cảm xúc của chính mình cũng như tham gia vào quá trình chăm sóc sức khỏe của bản thân. Trên thực tế, việc sống cùng với bệnh tiểu đường thậm chí còn dạy bạn cách đối phó và giải quyết những thử thách trong cuộc sống theo cách mà người khác không thể làm được. Một điều quan trọng nữa bạn cần nhớ rằng, thanh thiếu niên là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời của một người mắc bệnh tiểu đường type 1.

Đây là thời điểm cơ thể có nhiều thay đổi và cũng là thời điểm mà bạn cần kiểm soát tốt mức đường huyết để hạn chế các biến chứng nặng nề của bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

Đừng sợ hãi. Bạn cần chấp nhận sự thật này và cố gắng hết sức để kiểm soát mức đường huyết càng hiệu quả càng tốt. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm được. Và như đã nói, người duy nhất ngăn cản bạn làm điều đó chính là bản thân bạn.

Biểu tượng Tuyên bố từ chối trách nhiệm: