
Thông tin T1D
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Về chúng tôi
Sức mạnh ngôn ngữ có ý nghĩa thế nào với người bệnh đái tháo đường type 1?
Biên tập: 17.03.2025
Một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe là giao tiếp, đặc biệt là khi chăm sóc người gặp phải tình trạng mạn tính kéo dài như đái tháo đường type 1. Nhân viên y tế và người chăm sóc đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của người mắc đái tháo đường type 1. Họ có thể làm được nhiều việc hơn là chỉ chăm sóc y tế, chẳng hạn như hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân đái tháo đường. Sức khỏe tinh thần của người mắc đái tháo đường type 1 có thể được cải thiện khi người chăm sóc và các chuyên gia y tế nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của ngôn ngữ và việc giao tiếp.
Những người mắc đái tháo đường type 1 có thể cải thiện được chất lượng cuộc sống nhờ những lời nói mà người xung quanh sử dụng. Giao tiếp có thể khuyến khích và truyền động lực cho bệnh nhân để giúp họ tuân thủ kế hoạch điều trị và đạt được mục tiêu tốt hơn.
Đái tháo đường type 1 là một tình trạng nguy hiểm, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Những thay đổi do bệnh có thể vượt ra khỏi khả năng nắm bắt của con người. Thật tốt nếu các chuyên gia y tế và người chăm sóc không đổ lỗi hoặc khiến người bệnh cảm thấy mặc cảm về bệnh tình của bản thân khi họ gặp phải các vấn đề như tăng đường huyết hoặc những biến chứng khác. Họ có thể giúp đỡ, yêu thương, đồng cảm, thấu hiểu và không phán xét về tình trạng của người bệnh, từ đó đồng hành cùng bệnh nhân trên chặng đường dài phía trước.
Ví dụ, hãy sử dụng ngôn từ khác đi như "Đôi khi mắc sai lầm cũng chẳng sao cả. Hãy trao đổi để biết cách lựa chọn chế độ ăn uống tốt hơn trong tương lai" thay vì "Đáng lẽ bạn nên ăn uống lành mạnh hơn". Đây là một cách tốt mà người xung quanh có thể thực hiện để hỗ trợ bệnh nhân đái tháo đường. Những lời nói khiến người bệnh cảm thấy mặc cảm về bản thân cũng có thể làm giảm sự tự tin của họ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần cũng như khiến việc duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định trở nên khó khăn.
Để giúp bệnh nhân tự tin hơn về bản thân, người xung quanh nên chọn cách trò chuyện lấy người bệnh làm trung tâm, tách biệt khỏi bệnh đái tháo đường type 1, chẳng hạn như nhấn mạnh "cuộc sống của các cá nhân mắc đái tháo đường type 1" hoặc "người mắc bệnh đái tháo đường". Hãy sử dụng các cụm từ có thể khiến người bệnh đái tháo đường type 1 cảm thấy dễ chịu và được tiếp thêm sức mạnh thay vì "đánh bại" họ. Họ là những người có thể vượt qua căn bệnh đái tháo đường của chính mình.
Một cách khác để giúp đỡ người bệnh đái tháo đường là thể hiện sự đồng cảm và thấu hiểu với họ. Sự đồng cảm là yếu tố cốt lõi bạn cần cân nhắc khi trò chuyện với người bệnh đái tháo đường. Cán bộ y tế làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chăm sóc người mắc đái tháo đường type 1 có thể muốn tìm hiểu thêm về các vấn đề liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần mà người bệnh đang phải đối mặt hàng ngày.
Cảm nhận của bệnh nhân đái tháo đường về đội ngũ chuyên gia y tế điều trị cho mình có thể thay đổi rất nhiều nếu các bác sĩ, y tá chia sẻ những điều ấm áp và khiến họ cảm thấy được quan tâm. Thay vì nói "Bạn cần kiểm soát lượng đường trong máu của mình tốt hơn", hãy thử nói "Tôi hiểu việc kiểm soát mức đường huyết là một thử thách khó khăn nhưng chúng tôi ở đây để giúp bạn tìm ra giải pháp tối ưu nhất". Chỉ một sự thay đổi nhỏ trong cách dùng từ cũng có thể cho bệnh nhân thấy rằng bác sĩ đang muốn giúp đỡ, hướng dẫn và hỗ trợ họ vượt qua những thử thách khi sống cùng bệnh.
Chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường type 1 đòi hỏi bạn cần phải thực hiện rất nhiều công việc trong ngày như đo đường huyết, tiêm insulin và lựa chọn thực phẩm phù hợp. Các chuyên gia y tế và người chăm sóc nên đưa ra những hướng dẫn rõ ràng và lời khuyên tích cực thay vì những nhận xét và câu hỏi vô ích, có tính miệt thị.
Thay vì nói rằng "Bạn đang tiêm insulin không hiệu quả", bạn có thể cải thiện cảm xúc và tinh thần của người bệnh bằng cách nói "Chúng ta hãy cùng nhau điều chỉnh liều lượng insulin sử dụng để ổn định mức đường huyết nhé'. Cách này sẽ khuyến khích mọi người hợp tác cùng nhau và mang đến cho người mắc đái tháo đường type 1 cơ hội được tham gia vào quá trình chăm sóc sức khỏe của bản thân.
Để bệnh nhân đái tháo đường type 1 cảm thấy thoải mái khi đặt câu hỏi và bày tỏ nỗi bận tâm của mình, bác sĩ và người thân cần xây dựng được không gian giao tiếp cởi mở. Đây là một phương pháp quan trọng khác giúp người xung quanh hỗ trợ bệnh nhân đái tháo đường tốt hơn. Người chăm sóc và chuyên gia y tế có thể tích cực thúc đẩy việc giao tiếp song phương.
Đừng chỉ đoán những việc người bệnh đái tháo đường type 1 biết hoặc cảm nhận. Thay vào đó, bạn hãy hỏi "Bạn có câu hỏi gì về kế hoạch điều trị của bản thân không?" hoặc "Bạn cảm thấy thế nào về kế hoạch kiểm soát bệnh đái tháo đường của mình?". Cách tiếp cận này sẽ xây dựng tinh thần làm việc nhóm và đảm bảo người mắc đái tháo đường type 1 luôn được lắng nghe.
Phong trào #Sức_mạnh_ngôn_ngữ đã thực hiện một số nghiên cứu trong cộng đồng người bệnh đái tháo đường và nhận thấy tầm quan trọng của việc giao tiếp một cách tích cực, cởi mở..
Đối phó với bệnh đái tháo đường type 1 là một hành trình kéo dài suốt đời và tràn ngập những trở ngại cũng như thành công. Một nền tảng tốt có thể tạo ra sự khác biệt to lớn. Việc ghi nhận những thành công và cố gắng của bệnh nhân sẽ giúp nâng cao lòng tin cũng như ý thức về giá trị bản thân của người bệnh theo cách lâu dài và hỗ trợ cho những thành công của họ. Những người chăm sóc và làm việc cùng bệnh nhân đái tháo đường hãy cố gắng ghi nhận và khen ngợi những thành tích mà người bệnh đạt được, bất kể lớn hay nhỏ.
Ví dụ, nếu bệnh nhân giữ được mức đường huyết trong phạm vi mục tiêu suốt cả tuần, hãy nói với họ rằng "Tôi rất ấn tượng với những nỗ lực của bạn trong việc kiểm soát mức đường huyết ở phạm vi cho phép. Sự cố gắng của bạn đang được đền đáp!". Được nghe những lời tốt đẹp như vậy có thể khiến người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn và đây là cách hỗ trợ tinh thần rất tốt cho bệnh nhân đái tháo đường. Người bệnh sẽ thấy nhẹ nhõm hơn khi có thể tự chăm sóc bản thân hoặc thậm chí cả những người xung quanh. Những hành động tốt đẹp của bạn mang lại rất nhiều giá trị cho người khác đấy.
Những cuộc trò chuyện cởi mở với cách dùng từ phù hợp là một trong những "trợ thủ" đắc lực giúp mọi người xung quanh giao tiếp hiệu quả hơn với bệnh nhân đái tháo đường type 1.
Cách nói chuyện thể hiện sự đồng cảm, không kỳ thị, có chủ đề rõ ràng, cởi mở, tích cực và thể hiện được sự công nhận của mọi người có thể cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần cũng như cảm xúc của bệnh nhân đái tháo đường type 1. Bằng cách lựa chọn các từ ngữ một cách khôn ngoan và cung cấp sự hỗ trợ liên tục, chúng ta có thể giúp người bệnh đái tháo đường type 1 đối mặt với tình trạng mạn tính này một cách tự tin và kiên cường hơn, từ đó cải thiện được chất lượng cuộc sống.
Việc giao tiếp rất quan trọng với người bệnh đái tháo đường. Để sống khỏe hơn cùng bệnh, mọi người phải cùng nhau tìm ra giải pháp.