
Thông tin T1D
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Về chúng tôi
#Đừngxalánhngườibệnhđáitháođường: Cách chia sẻ cởi mở, hòa đồng với bệnh nhân
Biên tập: 17.03.2025
Mỗi ngày đối với người mắc đái tháo đường đều khó khăn và đôi khi người không mắc bệnh không thể hiểu được sự phức tạp và những thách thức mà quá trình quản lý bệnh mang lại. Đặc biệt, các thông tin sai lệch có thể khiến nhiều người kỳ thị và xa lánh bệnh nhân đái tháo đường. Một phần quan trọng trong quá trình hỗ trợ người bệnh đái tháo đường là giao tiếp và chia sẻ thông tin một cách cởi mở, không phán xét để xây dựng sự hiểu biết, đồng cảm cũng như một môi trường hòa đồng, không kỳ thị người bệnh. Khi chúng ta dùng những từ ngữ như "tuân thủ" hay "không tuân thủ" thì không mang lại lợi ích, thậm chí còn khiến người bệnh đái tháo đường cảm thấy tội lỗi, sợ hãi và xấu hổ.
Để tiếp cận vấn đề này tốt hơn, bạn cần hiểu lý do vì sao bệnh nhân lại làm như vậy. Theo đó, bạn có thể trò chuyện với người bệnh về niềm tin, nỗi sợ, sở thích cũng như bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong quá trình bạn xây dựng kế hoạch kiểm soát bệnh cho họ. Chỉ khi làm được điều này thì mục tiêu kiểm soát đái tháo đường mới thực sự khả thi, thực tế và bền vững. Việc giao tiếp từ cả hai phía sẽ mang lại kết quả tốt hơn cũng như nhiều lợi ích hơn cho người mắc đái tháo đường. Tốt nhất bạn nên sử dụng các cụm từ như "được kiểm soát" và "an toàn/không an toàn" để tập trung vào nỗ lực của người bệnh cũng như hạn chế việc bệnh nhân cảm thấy bị đánh giá. Ngược lại, việc dùng tính từ như "xấu, không tốt" hoặc các từ khác như "kiểm soát", "tuân thủ" có thể mang theo cảm giác phán xét và khiến người bệnh mất đi động lực cố gắng. Đừng nói với bệnh nhân đái tháo đường những câu như: "Kết quả kiểm soát bệnh đái tháo đường của bạn rất tệ, bạn không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ". Thay vào đó, hãy nói: "Nếu mức đường huyết của bạn không được kiểm soát tốt thì có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe đấy".
Kỳ thị, xa lánh người bệnh đái tháo đường xảy ra khi ai đó bị phán xét, phân biệt đối xử hoặc đối đãi tệ bạc chỉ vì họ mắc đái tháo đường. Trong một số trường hợp, điều này xảy ra vì mọi người đang hiểu sai về bệnh. Vì vậy, nâng cao kiến thức của mọi người về đái tháo đường là việc làm rất quan trọng và hữu ích. Khi ai đó mắc đái tháo đường type 1, hệ miễn dịch của họ sẽ tấn công các tế bào tạo ra insulin ở tụy. Điều này khiến tuyến tụy không thể sản xuất insulin. Đối với người mắc đái tháo đường type 2, tuyến tụy không sản xuất đủ lượng insulin cơ thể cần hoặc các tế bào trở nên kháng insulin. Đái tháo đường thai kỳ là một dạng đái tháo đường khác. Trong đó, cơ thể bạn không sản xuất đủ insulin khi đang mang thai. Đái tháo đường khởi phát ở người trẻ là một dạng đái tháo đường hiếm gặp, không giống với đái tháo đường type 1 hay type 2. Dạng bệnh này có xu hướng di truyền trong gia đình. Ngoài ra, đái tháo đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn là tình trạng tự miễn khởi phát ở tuổi trưởng thành. Bệnh nhân thường không cần tiêm insulin trong ít nhất 6 tháng sau khi được chẩn đoán. Hiện tại, nhiều người vẫn có những quan niệm sai lầm về bệnh. Chẳng hạn như, họ thường nhầm lẫn các dạng đái tháo đường với nhau hoặc nghĩ rằng lối sống là nguyên nhân dẫn đến bệnh. Điều này có thể gây tổn thương người bệnh và ngăn cản họ nói về tình trạng của chính mình. Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân che giấu bệnh tình của mình và ít tham gia vào kế hoạch kiểm soát bệnh của bản thân.
Cách chúng ta đề cập về bệnh đái tháo đường có tác động rất lớn đến cảm nhận và suy nghĩ của bệnh nhân về tình trạng bệnh của mình. Với tư cách là chuyên gia y tế hoặc người chăm sóc, việc xây dựng môi trường sống tích cực, thấu hiểu sẽ khuyến khích bệnh nhân hợp tác và thu được kết quả kiểm soát bệnh tốt hơn. Người bệnh đái tháo đường sẽ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn khi bạn tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc cũng như những thử thách mà họ đang phải đối mặt.
Điều quan trọng là mọi người cần tìm hiểu thêm về bệnh đái tháo đường để nắm rõ về bệnh và hỗ trợ người bệnh tốt hơn. Một cách hiệu quả bạn có thể thử chính là tìm hiểu những việc mà người bệnh phải trải qua, bao gồm các loại thuốc và thiết bị cần sử dụng hoặc những vấn đề mà họ có khả năng gặp phải. Nhiều lúc, chúng ta có thể hiểu lầm về bệnh và nghĩ rằng mọi trường hợp đái tháo đường đều giống nhau. Tuy nhiên, mỗi người mắc đái tháo đường sẽ có những trải nghiệm khác nhau khi sống cùng bệnh. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta không nên đánh đồng và xem thường trải nghiệm của người bệnh.
Thay vì nói rằng: "Người mắc đái tháo đường không thể ăn đường" thì bạn có thể nói: "Dù người bệnh đái tháo đường cần kiểm soát lượng carbohydrate tiêu thụ nhưng bạn vẫn có thể thưởng thức các loại đồ ăn vặt với mức độ vừa phải". Bằng cách hạn chế đánh đồng và chú ý đến yếu tố con người, bạn sẽ khiến người bệnh đái tháo đường cảm thấy được thấu hiểu, sẻ chia và có giá trị.
Ngôn ngữ hướng đến con người tập trung vào người bệnh thay vì tình trạng của họ. Hãy cẩn thận khi bạn nói về "bệnh nhân đái tháo đường". Nếu muốn thể hiện sự tôn trọng với người bệnh, bạn nên dùng từ "người sống chung với đái tháo đường" hoặc "người mắc đái tháo đường". Một số người bệnh không bận tâm về điều đó, trong khi một số khác có thể cảm thấy khó chịu. Điều này thúc đẩy suy nghĩ rằng tình trạng bệnh không phải là cách để phân biệt bệnh nhân với người khác. Từ đó cũng giảm bớt tình trạng kỳ thị, xa lánh người bệnh đái tháo đường.
Một phương pháp tuyệt vời để giao tiếp với người bệnh đái tháo đường là đưa ra những câu hỏi mở về cảm xúc của họ. Hãy thử hỏi: "Hôm nay bạn cảm thấy thế nào? Cảm ơn bạn đã đến. Dạo này, điều gì khiến bạn cảm thấy khỏe hơn?" thay vì hỏi: "Bạn có tuân thủ đúng kế hoạch dùng thuốc, chế độ ăn uống và chế độ tập luyện để kiểm soát bệnh đái tháo đường không?" Phương pháp này thúc đẩy người bệnh giao tiếp cởi mở bằng giọng điệu khích lệ và tập trung vào những lợi thế.
Việc chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường đòi hỏi sự nỗ lực và chú ý liên tục. Những người không mắc bệnh có thể thể hiện sự hỗ trợ bằng cách ghi nhận những khó khăn và nỗ lực mà người bệnh hoặc gia đình có người mắc đái tháo đường phải trải qua. Bạn có thể giúp bệnh nhân cảm thấy tốt hơn bằng cách chia sẻ với họ những điều như: "Tôi ngưỡng mộ những nỗ lực của bạn trong quá trình kiểm soát đái tháo đường" hoặc "Tôi biết điều đó không dễ dàng nhưng bạn đang làm rất tốt".
Đừng đưa ra lời khuyên cho người bệnh đái tháo đường khi họ chưa yêu cầu. Người không mắc bệnh có thể có ý tốt nhưng những phát biểu của họ có khả năng gây tổn thương đến người bệnh. Thay vào đó, bạn hãy thể hiện sự giúp đỡ và cổ vũ của mình. Nếu người bệnh yêu cầu sự hỗ trợ, hãy đảm bảo rằng bạn đưa ra những lời khuyên chính xác và nhắc nhở họ rằng bạn không phải chuyên gia y tế.
Một cách để đạt được mục tiêu này là hỗ trợ các sáng kiến, chính sách và điều luật nhằm đảm bảo người mắc đái tháo đường được đối xử công bằng, bình đẳng. Ví dụ, bạn có thể gửi cam kết đến www.enddiabetesstigma.org.
Những người quan tâm và ủng hộ người bệnh đái tháo đường có thể giảm bớt tình trạng kỳ thị, xa lánh và tạo nên mối quan hệ bền chặt với người bệnh thông qua việc giao tiếp cởi mở, dựa trên các lợi thế và thể hiện sự hỗ trợ qua ngôn ngữ. Người bệnh đái tháo đường không đáng bị phán xét, đổ lỗi hoặc kỳ thị chỉ vì mắc đái tháo đường. Việc mắc bệnh không phải là lỗi của họ. Những người xung quanh có thể khiến xã hội chấp nhận và thấu hiểu người bệnh hơn bằng cách khuyến khích họ tìm hiểu về đái tháo đường, đừng đưa ra giả thiết, hãy lấy người bệnh làm trung tâm và ghi nhận những nỗ lực, tiến bộ của họ. Việc thay đổi trong cách dùng từ hoặc sử dụng ngôn ngữ sẽ tạo nên sự khác biệt lớn trong cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường, đồng thời giúp cộng đồng chấp nhận và quan tâm đến người bệnh nhiều hơn.