
Thông tin T1D
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Về chúng tôi
Cách đếm lượng carbohydrate dễ dàng dành cho người bệnh đái tháo đường type 1
Biên tập: 17.03.2025
Khi nói đến việc kiểm soát bệnh đái tháo đường type 1 thì dinh dưỡng, đặc biệt là lượng carbohydrate (chất bột đường) tiêu thụ đóng một vai trò quan trọng. Bởi vì chúng là nguồn cung cấp dưỡng chất chủ yếu trong hầu hết các bữa ăn.
Kiểm soát lượng carbohydrate giúp bệnh nhân đái tháo đường duy trì mức đường huyết ổn định. Mức đường huyết tối ưu được khuyến nghị cho người bệnh là từ 70 đến 180 mg/dl (3,9 đến 10 mmol/L) vào ít nhất 70% thời gian trong ngày.
Nếu người bệnh không tính toán lượng carbohydrate (carb counting) tiêu thụ mỗi ngày, lượng đường trong máu có thể tăng cao đến mức nguy hiểm.
Ngược lại, nếu không ăn đủ carbohydrate, đường huyết cũng có khả năng giảm xuống thấp đến mức báo động (được gọi là tình trạng hạ đường huyết).
Bằng cách quản lý lượng carbohydrate tiêu thụ, bệnh nhân đái tháo đường có thể kiểm soát mức đường huyết tốt hơn và tránh được các vấn đề do lượng đường trong máu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp gây ra.
Đừng quá căng thẳng nếu bạn không giỏi việc tính toán! HÃY ĐẾN VỚI CHÚNG TÔI!
Bạn hãy bắt đầu từ việc thảo luận với đội ngũ bác sĩ của mình, đặc biệt là bác sĩ điều trị và chuyên gia dinh dưỡng, về chế độ ăn uống. Đây là những chuyên gia có thể giúp bạn học đếm lượng carbohydrate tiêu thụ trong suốt hành trình sống cùng đái tháo đường.
Các chuyên gia y tế sẽ đưa ra lời khuyên ăn uống phù hợp nhất với mong muốn và lối sống của bạn. Bạn có thể tìm hiểu những kiến thức cơ bản về cách tính lượng carbohydrate cho người bệnh đái tháo đường từ họ. Ban đầu, việc tính toán lượng carbohydrate trong mỗi bữa ăn sẽ khó khăn nhưng hiện có rất nhiều công cụ có thể hỗ trợ bạn.
Điều quan trọng là bệnh nhân đái tháo đường cần hiểu về các loại carbohydrate và tác động của từng loại đối với mức đường huyết của bản thân. Có hai loại carbohydrate cơ bản là carbohydrate dạng đơn và carbohydrate dạng phức.
Carbohydrate dạng đơn có trong đồ ngọt và các loại thức uống chứa nhiều đường, có khả năng làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng.
Trong khi đó, thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt, rau và đậu là những ví dụ điển hình về nguồn carbohydrate dạng phức, có tác động đến mức đường huyết một cách từ từ.
Tìm hiểu về những khác biệt này có thể giúp bạn dễ dàng lựa chọn được nguồn carbohydrate lành mạnh khi đi chợ.
Các dụng cụ trực quan có thể giúp bạn ước tính được khẩu phần ăn và hàm lượng carbohydrate tiêu thụ.
Bạn có thể ước tính được kích thước của một quả trái cây bằng tay hoặc khối lượng nui bằng cốc đo.
Ví dụ, bạn có thể tính được lượng gạo hoặc nui cho một bữa ăn bằng một nắm tay gạo hoặc một nắm tay nui.
Phương pháp này cung cấp cho bạn các thông tin tham khảo trực quan và giúp bạn ước tính được lượng carbohydrate mình sẽ tiêu thụ trong mỗi bữa ăn một cách chính xác hơn.
Trên nhãn thành phần của các sản phẩm đóng gói sẵn cũng có thông tin về lượng carbohydrate trong sản phẩm đó, thường được tính bằng gam. Điều này giúp bạn dễ dàng theo dõi lượng carbohydrate mình tiêu thụ.
Lựa chọn trên sẽ hữu ích nếu bạn thường xuyên đi xa hoặc không có nhiều thời gian để nấu nướng.
Bằng cách liệt kê những loại thực phẩm mình đã ăn vào nhật ký thực phẩm hoặc ứng dụng điện thoại, bạn có thể kiểm soát lượng carbohydrate phù hợp cho người đái tháo đường.
Việc này cũng giúp bạn dễ dàng theo dõi hiệu quả của các phác đồ điều trị và thực hiện những thay đổi trong chế độ ăn uống cũng như lịch tiêm insulin nếu cần thiết.
Bằng cách sử dụng các ứng dụng điện thoại, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát được lượng carbohydrate tiêu thụ cho người đái tháo đường, đặc biệt là khi muốn thử một loại thực phẩm mới hoặc khi đi ăn ngoài.
Nhiều ứng dụng còn hiển thị cả lượng carbohydrate, protein, chất béo và chất xơ trong món ăn. Vì vậy, bạn sẽ không cần thực hiện bất kỳ phép tính nào.
Những ứng dụng này cũng cho phép bạn theo dõi tổng lượng carbohydrate tiêu thụ trong ngày và khi nào cần phải đo đường huyết.
Việc theo dõi lượng carbohydrate tiêu thụ rất quan trọng vì sẽ giúp người bệnh đái tháo đường tìm được loại thực phẩm lành mạnh và thay đổi chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân. Điều này giúp giữ cho đường huyết luôn ở mức mục tiêu, từ 70 - 180 mg/dL hoặc 3,9 - 10 mmol/L.
Theo thời gian, bạn có thể học được cách ước tính lượng carbohydrate trong các loại thực phẩm thông thường mà không cần dùng đến dụng cụ đo lường hoặc xem nhãn sản phẩm.
Kỹ năng này thật sự hữu ích dù không thể đo lường chính xác lượng carbohydrate trong thực phẩm.
Hãy xem việc kiểm soát lượng carbohydrate tiêu thụ là một kỹ năng bạn cần học hỏi và hoàn toàn có thể tiến bộ hơn qua thời gian cũng như quá trình luyện tập.
Hãy kiên nhẫn với chính mình và cố gắng học hỏi từ từ. Mỗi ngày đều có sự khác biệt. Việc biết cách cơ thể phản ứng với chế độ ăn uống sẽ giúp bạn hiệu chỉnh mỗi ngày và tự tin hơn trong quá trình kiểm soát bệnh đái tháo đường của mình.
Khả năng ước tính và cân đối lượng carbohydrate tiêu thụ hàng ngày sẽ được cải thiện dần khi luyện tập.
Hãy tin tưởng vào bản thân, BẠN HOÀN TOÀN CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC!
BẠN HOÀN TOÀN CÓ THỂ TÍNH TOÁN ĐƯỢC LƯỢNG CARBOHYDRATE TIÊU THỤ. Hãy để kĩ năng đếm lượng carbohydrate trong chế độ ăn giúp bạn quản lý tình trạng bệnh của mình tốt hơn!
Người bệnh đái tháo đường type 1 có lẽ đã biết rằng việc tính toán lượng carbohydrate tiêu thụ là một kỹ năng hữu ích giúp họ kiểm soát mức đường huyết tốt hơn.
Khi thuần thục kỹ năng này, bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình. Tuy nhiên, hãy biết rằng, bạn không thể thành thạo việc tính toán lượng carbohydrate tiêu thụ chỉ trong một, hai ngày. Phải mất nhiều thời gian để thử những cách khác nhau và chọn ra cách hiệu quả nhất. Hãy cố gắng thay đổi từng chút một để xem xét mức độ ảnh hưởng của những thay đổi đó đến lượng đường trong máu của bạn.
Đừng ngại nhờ tới sự giúp đỡ. Xung quanh có rất nhiều người có thể hỗ trợ bạn.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách kiểm soát lượng carbohydrate tiêu thụ thông qua việc tham gia các nhóm cộng đồng như HelloType1 trên Facebook hoặc thông qua một số bài viết trực tuyến.
Hãy nhớ rằng, việc kiểm soát mức đường huyết sẽ rất khó khăn nếu bạn không thể theo dõi được lượng carbohydrate tiêu thụ. Điều này có khả năng gây ra những hậu quả khôn lường.
Bệnh nhân đái tháo đường có thể biến việc tính toán lượng carbohydrate trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày để đối phó với tình trạng bệnh của chính mình.