
Thông tin T1D
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Về chúng tôi
Chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường type 1 và cách đối mặt với căng thẳng
Biên tập: 17.03.2025
Khi một đứa trẻ được chẩn đoán đái tháo đường type 1, đây được xem là một biến cố lớn trong cuộc đời không chỉ với trẻ mà còn đối với cha mẹ hoặc người chăm sóc chúng. Họ dễ dàng nhận thấy mức độ ảnh hưởng của bệnh đối với chất lượng cuộc sống, tuổi thọ cũng như thói quen sinh hoạt hàng ngày của con mình. Dần dần, cha mẹ, người thân của trẻ cũng nhận ra rằng, trên thực tế, đái tháo đường sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống của cả gia đình họ.
Việc kiểm soát bệnh đái tháo đường ở người trẻ đòi hỏi cần thay đổi thói quen hàng ngày, mối quan tâm, chế độ ăn uống và cả lối sống. Trên thực tế, các bậc phụ huynh rất khó chấp nhận việc con mình cần phải sống chung với đái tháo đường và điều trị bệnh suốt đời. Vì vậy, nếu cha mẹ, người thân của trẻ cảm thấy buồn bã, đau lòng ở giai đoạn này là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
Nhiều người cảm thấy khó chấp nhận về tình trạng bệnh của con mình và tự hỏi liệu họ có thể làm gì để ngăn bệnh tiến triển hay không. Một số người cũng cảm thấy hoang mang về việc họ cần chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường như thế nào, chẳng hạn như dùng thuốc ra sao, xây dựng chế độ ăn uống thế nào. Các bậc phụ huynh cũng thường cảm thấy lo lắng về việc nhận biết các triệu chứng của bệnh đái tháo đường và làm sao giúp trẻ nhận được sự chăm sóc y tế phù hợp nhất.
Hầu như tất cả người thân của trẻ mắc đái tháo đường type 1 đều trải qua những cảm xúc này. Việc cảm thấy đau buồn là điều hoàn toàn bình thường nhưng đừng quên rằng bạn không hề đơn độc. Bạn luôn có thể tìm đến sự hỗ trợ và giúp đỡ từ các bác sĩ, y tá, người thân và gia đình.
Nhiều bậc phụ huynh và người chăm sóc trải qua những căng thẳng về cảm xúc và tâm lý sau khi con cái hoặc người thân được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 1. Bạn không phải là người duy nhất trải qua cảm xúc ấy. Những khó khăn này sẽ tăng lên gấp đôi vì bạn vừa phải đối mặt với sự thất vọng, muộn phiền và lo lắng của bản thân, đồng thời còn phải giúp trẻ vượt qua những lo lắng và phiền muộn của chúng.
Bước đầu tiên để “xử lý” những cảm xúc tiêu cực chính là tìm hiểu thật rõ về bệnh đái tháo đường type 1. Chương trình Hello Type 1 sẽ cung cấp cho bố mẹ và người thân những thông tin cần thiết để hiểu hơn về căn bệnh này cũng như cách kiểm soát bệnh tốt nhất. Thêm vào đó, phụ huynh cũng có thể tìm hiểu thông tin về đái tháo đường từ đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế điều trị. Việc tìm hiểu về bệnh đái tháo đường type 1 và cách quản lý bệnh sẽ giúp bạn hiểu rõ và kiểm soát tình hình tốt hơn. Điều này cũng góp phần giúp bạn hỗ trợ, chăm sóc trẻ hiệu quả và giúp chúng biết cách kiểm soát tình trạng bệnh hàng ngày cũng như đối diện với những thay đổi về cảm xúc.
Đừng quên rằng bạn cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình. Hãy mở lòng và chia sẻ những tâm sự, lo lắng của bạn với những người thân khác. Họ có thể giúp đỡ bạn và chia sẻ một phần trách nhiệm trong việc chăm sóc người bệnh đái tháo đường.
Để hỗ trợ người mắc bệnh đái tháo đường, trước tiên bạn phải có khả năng nhận điện trạng thái tâm lý và cảm xúc của họ, đồng thời giữ vững tinh thần để giúp người bệnh giải quyết những vấn đề này.
Việc thường xuyên quan tâm, chia sẻ với người bệnh đái tháo đường sẽ giúp gia đình hiểu rõ hơn về cảm xúc và trạng thái tâm lý của họ. Điều quan trọng là người thân cần cố gắng tìm hiểu về những muộn phiền mà bệnh nhân đang gặp phải. Hãy cố gắng lắng nghe những tâm sự của họ trước khi nêu lên cảm nhận của bản thân.
Người thân cần biết cách dung hòa các yếu tố khi giao tiếp với bệnh nhân đái tháo đường. Bạn phải thể hiện sự quan tâm của mình đối với người bệnh bằng cách đặt ra những câu hỏi về tình trạng sức khỏe của họ, đồng thời cũng phải cố gắng tiếp thêm năng lượng tích cực cho bệnh nhân bằng cách nhấn mạnh rằng đái tháo đường không phải là “án tử”.
Bạn hãy lắng nghe những suy nghĩ, bận tâm của bệnh nhân, cố gắng giải đáp và trấn an họ rằng việc duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp họ có được cuộc sống bình thường, thậm chí còn mang lại những lợi ích to lớn trong tương lai (chẳng hạn như có khả năng tuân thủ tốt hơn các quy tắc ở trường học hoặc nơi làm việc).
Ngoài ra, bạn cũng cần giúp người bệnh đái tháo đường tự lập hơn. Điều này có thể khó khăn, đặc biệt ở giai đoạn đầu, vì ai cũng muốn bảo vệ con cái hoặc người thân của mình. Với sự động viên và hỗ trợ từ gia đình, bệnh nhân đái tháo đường sẽ cảm thấy mình cần có trách nhiệm với việc kiểm soát tình trạng bệnh của bản thân như dùng thuốc theo chỉ định, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh… Điều này sẽ tác động tích cực và giúp người bệnh tự tin hơn.
Khi một người mắc bệnh đái tháo đường, điều này sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình. Những đứa trẻ hoặc người thân khác trong gia đình không mắc bệnh có thể cảm thấy khó chịu khi người bệnh được quan tâm nhiều hơn. Vì vậy, bạn cũng đừng quên quan tâm và thể hiện sự yêu thương đối với các thành viên khác để tránh gây thêm căng thẳng trong gia đình. Bạn hãy khuyến khích họ cùng tìm hiểu về bệnh đái tháo đường type 1. Bởi kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường cần sự giúp đỡ, nỗ lực của tất cả các thành viên trong gia đình.
Việc nhận được sự ủng hộ, trợ giúp từ người thân cho thấy những cải thiện tích cực trong việc kiểm soát mức đường huyết nói riêng và bệnh đái tháo đường type 1 nói chung ở người mắc đái tháo đường. Người bệnh đái tháo đường type 1 vẫn có thể sống lâu, vui vẻ và trọn vẹn như bao người khác.
Việc người thân được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường có thể khiến bạn khó lòng chấp nhận ngay, đặc biệt khi đây là một tình trạng cần được điều trị suốt đời. Đối với các bậc bố mẹ có con mắc bệnh đái tháo đường, những căng thẳng xảy ra khi chăm sóc trẻ đôi khi quá lớn, thậm chí có thể ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như cách họ chăm sóc con cái.
Đây là lý do vì sao bố mẹ không được bỏ bê sức khỏe của bản thân và thực hiện các biện pháp để kiểm soát căng thẳng. Nếu cần thêm sự hỗ trợ, bạn đừng cảm thấy xấu hổ khi nhờ người thân, bạn bè giúp đỡ hoặc thậm chí thuê bảo mẫu làm việc nhà để có thêm thời gian chăm sóc người bệnh và thư giãn để giải tỏa căng thẳng.