Thông tin T1D

Biểu tượng

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe

Về chúng tôi

Biến chứng của bệnh tiểu đường ở bàn chân

Biên tập: 17.03.2025

Anne-Charlotte Ficheroulle

Pharmacist, Digital Innovation Manager, A4D

1. Bệnh tiểu đường gây ảnh hưởng đến bàn chân như thế nào?

Mức đường huyết tăng cao có thể làm tổn thương nghiêm trọng tới nhiều cơ quan trong cơ thể và gây ra các vấn đề về tuần hoàn máu cũng như nhiễm trùng, từ đó làm mất cảm giác hoặc dẫn đến tình trạng dị cảm như ngứa ran, nóng rát… ở bàn chân.
Nếu không được điều trị, những vấn đề trên có khả năng gây tổn thương khó lành ở chân. Người bệnh đôi khi không cảm nhận được rằng bàn chân của mình đang bị thương hoặc bị đau. Điều này có khả năng gây loét và nhiễm trùng ở bàn chân, thậm chí dẫn đến việc phải đoạn chi (cắt cụt chi).

2. Phát hiện các dấu hiệu của biến chứng tiểu đường ở bàn chân

Người bệnh tiểu đường được khuyến khích nên kiểm tra bàn chân hàng ngày để phát hiện những dấu hiệu sau đây và thông báo cho bác sĩ:

– Cảm giác ngứa ran hoặc châm chích (tê rần) ở bàn chân
– Cảm giác đau (nóng rát) ở bàn chân
– Đau âm ỉ ở chân
– Da chân trở nên sáng bóng, mịn màng bất thường
– Rụng lông ở chân và bàn chân
– Mất cảm giác ở chân và bàn chân
– Sưng phù chân
– Giảm tiết mồ hôi ở chân
– Chân xuất hiện vết thương hoặc vết loét chậm lành
– Chuột rút ở bắp chân khi nghỉ ngơi hoặc đi bộ

Nếu bạn gặp phải bất kỳ dấu hiệu “báo động” nào sau đây thì hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức:

– Thay đổi màu sắc và hình dạng của bàn chân
– Bàn chân lạnh hoặc nóng bất thường
– Nhìn thấy các vết phồng rộp và vết cắt ở chân nhưng không có bất kỳ cảm giác nào
– Mùi hôi từ vết thương hở

Người bệnh tiểu đường nên đến bệnh viện thăm khám chân ít nhất một lần mỗi năm để kiểm tra xem có các tổn thương ở dây thần kinh hay không.

Khám bàn chân là gì? Một chuyên gia y tế sẽ tiến hành kiểm tra chân và bàn chân của bệnh nhân xem có bị tê bì, tuần hoàn máu kém, chai cứng, phồng rộp, gặp các vấn đề về móng hoặc các tình trạng khác hay không. Từ đó, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ phát triển các biến chứng tiểu đường ở bàn chân cho người bệnh.

3. Bí quyết giúp giảm nguy cơ phát triển biến chứng bệnh tiểu đường ở bàn chân

– Giữ đường huyết ở mức mục tiêu
– Mang giày thoải mái và vừa vặn, hạn chế đi những đôi giày quá chật hoặc giày cao gót
– Giữ chân sạch sẽ và khô ráo để tránh nhiễm trùng
– Cắt móng chân gọn gàng
– Không đi chân trần ra ngoài để tránh bị trầy xước hoặc tổn thương da
– Cố gắng tập thể dục 30 phút mỗi ngày

4. Bệnh tiểu đường type 1 nếu không được kiểm soát hiệu quả có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn

Nếu không được kiểm soát hiệu quả, bệnh tiểu đường type 1 có thể dẫn đến một biến chứng nghiêm trọng được gọi là hoại thư. Tình trạng này có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, trong đó các mô của cơ thể bị thiếu máu và cuối cùng dẫn đến hoại tử (chết mô).

Việc điều trị hoại thư là một quá trình phức tạp, bao gồm loại bỏ mô bị nhiễm trùng hoặc chết, dùng thuốc kháng sinh để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng và trong một số trường hợp, bệnh nhân cần được phẫu thuật để sửa chữa các mạch máu bị tổn thương.

Tình trạng hoại thư nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến việc phải cắt cụt bất kỳ bộ phận cơ thể nào bị ảnh hưởng hoặc trong trường hợp nghiêm trọng hơn là gây nhiễm trùng huyết.

Nhiễm trùng huyết là một biến chứng trong đó tình trạng nhiễm trùng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể và gây ra nhiều phản ứng bất lợi. Nếu không được điều trị, tình trạng nhiễm trùng huyết dễ dẫn đến tử vong. Việc kiểm soát bệnh tiểu đường đúng cách có thể giúp ngăn ngừa một loạt các biến chứng và vấn đề sức khỏe về sau. Vì vậy, đây là ưu tiên hàng đầu đối với người mắc bệnh tiểu đường.

Dưới đây là một số triệu chứng mà bệnh nhân tiểu đường cần lưu ý:

  • Sốt kéo dài không khỏi

  • Những thay đổi trên da không biến mất

  • Vết thương, vết loét bị chảy dịch

  • Da có cảm giác lạnh, cứng và/hoặc tê bì

  • Đau tại vị trí chấn thương hoặc phẫu thuật

Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, hãy liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám, kiểm tra.

5. Điều cần ghi nhớ

Khi nhắc đến bệnh tiểu đường, mọi người thường nghĩ tới các biến chứng như vấn đề tim mạch hoặc tăng huyết áp. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý rằng biến chứng tiểu đường ở chân cũng là vấn đề nghiêm trọng cần được quan tâm, đặc biệt đối với những trường hợp bệnh không được kiểm soát tốt.

Đây là lý do vì sao bệnh nhân tiểu đường cần phải quản lý tốt tình trạng của mình bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục hàng ngày và tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ để hạn chế những ảnh hưởng của bệnh tiểu đường type 1 đối với sức khỏe.

Bên cạnh đó, người bệnh cần phát hiện sớm biến chứng tiểu đường ở chân để kịp thời xử lý trước khi tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.

Hãy trả lời các câu trắc nghiệm về biến chứng bàn chân!

Biểu tượng Tuyên bố từ chối trách nhiệm: