Thông tin T1D

Biểu tượng

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe

Về chúng tôi

Chế độ dinh dưỡng và lượng carbohydrate cho người bị đái tháo đường

Biên tập: 26.07.2024

Anne-Charlotte Ficheroulle

Pharmacist, Digital Innovation Manager, A4D

1. Vì sao chúng ta cần phải ăn? Carbohydrate là gì?

Thực phẩm rất quan trọng trong cuộc sống của con người, giúp cung cấp cho cơ thể những dưỡng chất cần thiết để duy trì sức khỏe.

Ba nhóm dưỡng chất chính trong thức ăn là carbohydrate, chất béo và protein, bên cạnh đó là các nhóm dưỡng chất khác như vitamin và khoáng chất. Bên cạnh bổ sung chất dinh dưỡng từ thức ăn, chúng ta cũng cần uống nhiều nước để cung cấp đủ nước cho cơ thể.

Dưới đây là vai trò của các nhóm dưỡng chất có trong thức ăn:
– Carbohydrate: Nguồn năng lượng chính cho não bộ và cơ thể
– Protein: Giúp hỗ trợ quá trình tăng trưởng và tự sửa chữa của các mô trong cơ thể
– Chất béo: Cung cấp năng lượng cho quá trình tăng trưởng và các hoạt động thể chất
– Vitamin và khoáng chất: Điều hòa nhiều chức năng của cơ thể, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh

Đọc thêm

2. Hiểu rõ về carbohydrate để giữ mức đường huyết ổn định

Bệnh nhân đái tháo đường không nên kiêng tất cả các loại carbohydrate. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải học cách tính toán lượng carbohydrate cần bổ sung cũng như xác định được loại carbohydrate nào tốt, loại carbohydrate nào không tốt và có khả năng ảnh hưởng xấu đến quá trình kiểm soát bệnh đái tháo đường.

Các nguồn carbohydrate tốt như rau củ quả, rau lá xanh chứa đường tự nhiên và làm cho lượng đường trong máu của bạn tăng lên từ từ.

Các nguồn carbohydrate xấu như đồ ngọt, thức uống có đường sẽ khiến lượng đường trong máu của bạn tăng lên rất nhanh.

Bằng cách tính toán và cân bằng giữa lượng carbohydrate nạp vào cơ thể, lượng insulin sử dụng và mức độ hoạt động thể chất, bạn có thể thoải mái thưởng thức các món ngon mà vẫn khỏe mạnh.

Carbohydrate có trong các loại thực phẩm nào?
– Ngũ cốc và các loại tinh bột như gạo, ngô, mì, khoai tây, bí ngô hoặc khoai môn
– Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa bò, sữa đậu nành…
– Trái cây như đu đủ, xoài, dứa, dưa hấu hoặc cam
– Các loại rau củ không chứa tinh bột như cà tím, cà chua, dưa chuột, rau lá xanh hoặc nấm
– Đồ ăn và thức uống chứa đường như nước ngọt, nước ép trái cây, sữa đặc, kẹo, bánh ngọt, khoai tây chiên… Đường trong các loại thực phẩm này rất nguy hiểm. Chúng có thể khiến lượng đường trong máu của bạn tăng lên rất nhiều!!!

3. Chỉ số đường huyết (glycemic index) của thực phẩm

Sau khi ăn, thời gian để cơ thể chuyển hóa carbohydrate và giải phóng glucose vào máu sẽ khác nhau, tùy thuộc vào loại carbohydrate và nguồn thực phẩm chứa chúng.

Một số nguồn thực phẩm chứa carbohydrate có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên nhanh chóng, trong khi một số khác lại khiến mức đường huyết tăng từ từ.

Chỉ số đường huyết đo tốc độ và mức độ làm tăng lượng đường trong máu của thực phẩm.

Thực phẩm có chỉ số đường huyết cao sẽ làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn so với thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

Bảng dưới đây sẽ giúp bạn biết được chỉ số đường huyết của một số loại trái cây và rau củ phổ biến với người dân Việt Nam:

Loại màu vàng – nên ăn nhiều
Loại màu cam – ăn vừa phải
Loại màu đỏ – hạn chế ăn hoặc cần dựa trên khẩu phần được khuyến nghị

Ngoài xây dựng chế độ ăn uống với lượng carbohydrate, protein và chất béo cân bằng, bạn cũng có thể giữ cho lượng đường trong máu ở mức mục tiêu bằng cách:

– Đo đường huyết thường xuyên (lý tưởng là 4 lần/ngày)
– Tập thể dục 30 phút mỗi ngày!
– Đảm bảo sử dụng đủ lượng insulin vào đúng thời điểm mỗi ngày
– Lên kế hoạch ăn uống lành mạnh dựa trên lượng carbohydrate bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị.

4. Điều cần ghi nhớ

Thực phẩm đóng một vai trò không thể thiếu trong quá trình kiểm soát bệnh đái tháo đường. Bệnh nhân đái tháo đường không chỉ cần quan tâm đến loại thực phẩm mình tiêu thụ mà còn về số lượng hoặc khẩu phần mà mình ăn. Dù ăn quá nhiều hoặc quá ít cũng đều không tốt cho sức khỏe của người bệnh đái tháo đường. Vì vậy, bạn nên đảm bảo ăn đủ và đúng khẩu phần để cung cấp chất dinh dưỡng và giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh.

Khi nói về carbohydrate, điều quan trọng bạn cần nhớ là không phải tất cả carbohydrate đều xấu. Các nguồn cung cấp carbohydrate lành mạnh như rau củ hoặc rau lá xanh có thể làm tăng lượng đường trong máu một cách từ từ và tốt cho sức khỏe hơn. Mặc khác, người bệnh đái tháo đường cũng cần tránh các loại đồ uống và thức ăn có nhiều đường vì chúng sẽ khiến lượng đường trong máu tăng lên nhanh chóng.

Một điều quan trọng nữa là bệnh nhân đái tháo đường cần tập thể dục hàng ngày vì điều này có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Việc tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp người bệnh duy trì sức khỏe tốt hơn.

Cuối cùng, bệnh nhân đái tháo đường hãy trao đổi với bác sĩ về những phương pháp giúp kiểm soát bệnh hiệu quả. Bác sĩ sẽ đưa ra hướng dẫn cũng như lời khuyên hữu ích để giúp đảm bảo bệnh nhân luôn kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình. Việc hợp tác chặt chẽ với bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân duy trì chất lượng cuộc sống dù mắc đái tháo đường.

Hãy trả lời các câu trắc nghiệm dinh dưỡng!

Biểu tượng Tuyên bố từ chối trách nhiệm: