
Thông tin T1D
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Về chúng tôi
Vì sao người bị đái tháo đường type 1 cần theo dõi mức đường huyết?
Biên tập: 17.03.2025
Mức đường huyết là lượng glucose có trong máu của bạn. Glucose là một loại đường đơn có trong thực phẩm chúng ta tiêu thụ, đồng thời cũng có thể được chuyển hóa và dự trữ bên trong gan cũng như các cơ bắp. Đây là nguồn năng lượng chính của các tế bào trong cơ thể, được vận chuyển đến các tế bào để sử dụng thông qua dòng máu.
Đo lượng đường trong máu (đo đường huyết) hàng ngày đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường và ngăn ngừa biến chứng của bệnh. Mức đường huyết có thể được kiểm tra tại nhà bằng máy đo đường huyết. Đây là một loại máy nhỏ giúp đo lượng đường trong một giọt máu nhỏ và hiển thị chỉ số đường huyết trên màn hình.
Đo đường huyết thường xuyên hàng ngày là cách tốt nhất để duy trì sự cân bằng giữa lượng thực phẩm tiêu thụ, mức độ hoạt động thể chất và lượng insulin sử dụng.
– Theo dõi hiệu quả và tác dụng của liều insulin
– Nhận biết khi mức đường huyết quá cao hoặc quá thấp
– Hiểu được mức độ ảnh hưởng của chế độ ăn uống và tập luyện lên mức đường huyết
– Hiểu rằng mức đường huyết có thể bị ảnh hưởng nếu bạn bị ốm hoặc căng thẳng
Sự thay đổi lượng đường trong máu không được kiểm soát không chỉ gây ra một số tình trạng cấp tính như hạ đường huyết (mức đường huyết giảm thấp) mà còn dẫn đến nhiều vấn đề có khả năng đe dọa tính mạng như nhiễm toan ceton do đái tháo đường (khi cơ thể bệnh nhân tạo ra nhiều axit ceton trong máu) và hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.
Về lâu dài, việc không kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường có thể làm tổn thương các cơ quan quan trọng như tim, thận, mắt và dây thần kinh. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân đái tháo đường sẽ đối mặt với nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh thận, giảm thị lực và các vấn đề về thần kinh rất cao.
Khi người bệnh bị ốm, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến lượng insulin mà cơ thể cần. Việc bệnh nhân theo dõi mức đường huyết thường xuyên sẽ giúp bác sĩ quyết định xem có nên thay đổi phác đồ điều trị như tăng hoặc giảm liều insulin hay không.
Dần dần, người bệnh đái tháo đường sẽ học được cách tự kiểm soát tình trạng bệnh của bản thân theo sự hướng dẫn của bác sĩ thay vì phụ thuộc vào người khác.
Đo đường huyết là một việc tương đối đơn giản và ngay cả trẻ em cũng có thể tự mình thực hiện. Tuy nhiên, bạn cần ghi nhớ một số điều nên và không nên làm sau đây trong quá trình đo đường huyết, đặc biệt khi thực hiện tại nhà:
– Tham khảo ý kiến bác sĩ để biết mức đường huyết mục tiêu cần kiểm soát là bao nhiêu. Bác sĩ thường yêu cầu bạn tiến hành đo đường huyết tại cơ sở y tế để xác định mức đường huyết cơ sở. Từ mức đường huyết này, bác sĩ sẽ đặt ra mức đường huyết mục tiêu cũng như quyết định phác đồ điều trị cho bạn. Bạn cũng có thể mang theo máy đo đường huyết của mình để bác sĩ kiểm tra xem máy có được hiệu chuẩn hay chưa.
– Tìm hiểu về cách dùng máy đo đường huyết tại nhà. Mặc dù máy đo đường huyết tương đối dễ sử dụng nhưng bạn vẫn cần tìm hiểu kỹ về các chức năng của loại máy mình đang dùng. Hãy dành thời gian để đọc hoặc xem video hướng dẫn sử dụng cũng như trao đổi với bác sĩ về cách dùng máy đo đường huyết để thu được kết quả chính xác nhất.
– Ghi chú lại mức đường huyết đo được. Việc làm này rất quan trọng vì cho phép bạn theo dõi sự thay đổi trong mức đường huyết để xem quá trình điều trị có hiệu quả hay không, liều dùng insulin đã đủ chưa. Bác sĩ cũng sẽ dựa trên những số liệu này để điều chỉnh phác đồ điều trị nếu cần và theo dõi tình trạng bệnh tổng thể của bạn. Mặc dù một số máy đo đường huyết có lưu thông tin trên thiết bị nhưng bạn vẫn nên ghi lại vào sổ hoặc điện thoại để theo dõi kết quả đo nhé.
– Tuân theo một lịch đo cố định. Bạn không nên đo đường huyết vào bất kỳ lúc nào mình muốn. Thay vào đó, hãy tuân theo một lịch đo cố định để các kết quả cung cấp cho bạn những thông tin chính xác hơn về quá trình kiểm soát bệnh đái tháo đường. Việc này đóng vai trò quan trọng góp phần giúp bạn quản lý tốt tình trạng của mình và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.