
Thông tin T1D
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Về chúng tôi
Kiểm soát bệnh đái tháo đường trong những ngày ốm
Biên tập: 17.03.2025
Như tất cả mọi người, bệnh nhân đái tháo đường cũng có thể bị ốm. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bệnh tật có khả năng làm tăng hoặc giảm lượng đường trong máu nên người bệnh cần thực hiện thêm một số biện pháp để kiểm soát mức đường huyết.
Mức đường huyết có thể thay đổi một cách khó lường vào những ngày người bệnh bị ốm. Bạn không thể biết chính xác những bệnh lý này sẽ ảnh hưởng thế nào đến quá trình kiểm soát bệnh đái tháo đường của bản thân. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần kiểm tra mức đường huyết thường xuyên hơn vào những ngày bị ốm và điều chỉnh liều lượng insulin khi cần thiết.
Khi bạn bị cảm lạnh, cúm hoặc bất kỳ bệnh lý nào khác có hoặc không kèm sốt, cơ thể sẽ cần sử dụng thêm năng lượng để chống lại vi sinh vật gây hại. Điều này có thể gây cản trở hoạt động của insulin.
Nếu các tế bào không nhận đủ năng lượng hoặc nếu lượng insulin không đủ để giúp đưa glucose vào tế bào, cơ thể bạn sẽ phân hủy các nguồn dự trữ khác (như mỡ và cơ) để cung cấp thêm năng lượng. Quá trình này tạo ra các sản phẩm được gọi là ceton có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu nồng độ trong cơ thể quá cao.
Nếu tình trạng đường huyết tăng cao không được điều trị thì nồng độ ceton trong cơ thể sẽ tiếp tục tăng lên, từ đó có thể khiến bạn bệnh nặng hơn do nhiễm toan ceton.
Biết cách quản lý bệnh đái tháo đường khi bị ốm sẽ giúp bạn ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe và biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
Mục tiêu của việc chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường vào những ngày ốm là:
– ngăn ngừa mất nước
– ngăn ngừa tình trạng nhiễm toan ceton do đái tháo đường (lượng đường và ceton trong máu cao)
– ngăn ngừa hạ đường huyết (mức đường huyết giảm thấp)
Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết nồng độ ceton trong máu đang tăng cao:
Hơi thở có mùi trái cây
Đi vệ sinh nhiều
Khát nước nhiều
Cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường
Đau bụng
Thay đổi nhịp thở (thở sâu hơn)
Lú lẫn
Ngất xỉu
Cảm giác không khỏe
Cách tốt nhất để kiểm tra nồng độ ceton trong máu là sử dụng que thử ceton. Nhiều người không có sẵn que thử và máy thử ceton tại nhà. Lúc này, bạn có thể đến phòng khám, bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được xác định nồng độ ceton máu.
Hãy làm theo các hướng dẫn sau khi bạn gặp phải bất kỳ bệnh lý nào:
– KHÔNG ĐƯỢC NGỪNG DÙNG INSULIN!
– Bệnh nhân có thể cần tăng hoặc giảm liều insulin, dựa trên kết quả kiểm tra đường huyết và lượng thức ăn tiêu thụ
– Tăng số lần đo đường huyết mỗi 3 – 4 giờ nếu có đủ que thử
– Nếu không thể tự đo đường huyết tại nhà, bạn hãy đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra
– Uống nhiều nước hơn, chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn thường xuyên nhưng phải đúng giờ
– Điều trị tình trạng sốt
Theo dõi nồng độ ceton trong nước tiểu hoặc máu là rất quan trọng. Bệnh nhân có thể cần sử dụng bổ sung thêm liều insulin để kiểm soát lượng đường trong máu (trừ khi bệnh nhân bị hạ đường huyết).
Nếu mức đường huyết của bạn tăng cao nhưng cơ thể không tạo ra hoặc tạo ra ít ceton thì bạn cần:
Tiêm insulin tác dụng ngắn hoặc tác dụng nhanh với liều bằng 5-10% tổng liều insulin hàng ngày, lặp lại mỗi 2-4 giờ.
Nếu bạn bị tăng đường huyết và nồng độ ceton trong cơ thể ở mức trung bình hoặc cao thì:
Tiêm insulin tác dụng ngắn hoặc tác dụng nhanh với liều bằng 10-20% tổng liều insulin hàng ngày, lặp lại mỗi 2-4 giờ.
Nếu bạn bị nôn, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng thiếu hụt insulin và nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Lúc này, bạn hãy gọi điện cho bác sĩ hoặc đến phòng khám/bệnh viện ngay lập tức.
Bệnh nhân đái tháo đường cần phải chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, đặc biệt khi bị ốm. Bị ốm có thể khiến lượng đường trong máu của bệnh nhân thay đổi khó lường, từ đó làm quá trình kiểm soát bệnh trở nên khó khăn hơn.
Đây là lý do vì sao bệnh nhân cần đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của mình trong giai đoạn này bằng cách tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ trong việc kiểm soát đái tháo đường. Tốt nhất là bạn cần thông báo với bác sĩ khi bị ốm để họ có thể hướng dẫn bạn cách theo dõi và kiểm soát mức đường huyết.
Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường bằng cách tiêm insulin, ăn uống lành mạnh và giữ gìn sức khỏe, có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc duy trì chất lượng cuộc sống của người mắc đái tháo đường.